Trẻ em hư, lỗi do người lớn

07/09/2012
“Chúng ta không thể ngăn được trẻ em tiếp cận những thông tin xấu, những trang web đen trên mạng internet. Thường những em “ngập” sâu và bị chi phối hoàn toàn vào thế giới ảo đều không thiết đến chuyện học hành, không có mục tiêu ở cuộc sống thực; nhưng các em lại muốn mình được công nhận trên thế giới ảo. Ở đó, các em được sống khác người, tìm thấy cứu cánh cho hoàn cảnh bị bỏ rơi giữa gia đình của mình”

Đó là những trao đổi của Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý - giáo dục học Việt Nam) với Báo Phụ nữ.

* Thưa bà, là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý gia đình và trẻ em, bà có thể cho biết định hướng và sự kiểm soát của người lớn có ảnh hưởng ra sao đối với cuộc sống, sinh hoạt của trẻ trước sự xâm lấn của thế giới ảo?

- Nhiều phụ huynh không biết gì về công nghệ thông tin để mà trao đổi với con, kiểm soát, phát hiện những dấu hiệu không bình thường của con em mình khi tham gia thế giới ảo. Trẻ em tự mày mò, khám phá thế giới ảo một cách vô thức, không có định hướng và kết cục là có những em bị biến đổi tâm lý, không còn bản ngã nữa. Tôi từng gặp nhiều ca bệnh nhi được cha mẹ đưa đến Trung tâm để tư vấn tâm lý, hỏi ra mới biết chúng đã bị mất phương hướng sống hoàn toàn. Các em không thể trả lời được bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc sống thực. Những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo, đều không thể vận dụng được bất cứ điều gì từ thế giới ảo để xây dựng một cuộc sống thực. Nói như vậy để thấy cha mẹ, thầy cô, những mối quan hệ đời thực mới là những chất liệu quan trọng nhất để hình thành nhân cách của một đứa trẻ bình thường. Bố mẹ mà không hiểu gì về con, không biết tâm lý, nhu cầu của con thì làm sao mà định hướng được.

* Theo tiến sĩ, gia đình, nhà trường cần có những biện pháp nào để kiểm soát con em mình?

- Vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ phải là gia đình, sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Trên thực tế, nhiều gia đình giàu có chiều con vô điều kiện, đáp ứng mọi nhu cầu của đứa trẻ, chỉ khiến trẻ biến thành một người ích kỷ, không biết chia sẻ, vô cảm với xung quanh. Ngày càng có nhiều trẻ em con nhà giàu nghiện game, bỏ nhà đi lang thang... nguyên nhân đều do cha mẹ quá chiều chuộng, không kiểm soát, không biết con em mình hư từ trên mạng. Có đứa trẻ 12 tuổi đi học về là ngồi lì với cái máy tính, chẳng đi đâu bao giờ. Bỗng dưng một ngày nó bỏ nhà đi, hóa ra là rủ bạn trai 17 tuổi vào nhà nghỉ, làm những việc mà bố mẹ nó không hình dung nổi. Bi kịch hơn là khi công an thâm nhập, tìm hiểu con người ảo của cô bé 12 tuổi thì thấy nó toàn chat sex, viết những điều bậy bạ, thậm chí là chửi bới cha, mẹ mình. Tôi nói vậy để thấy, vai trò của gia đình, nhà trường trong việc quan tâm đến con cái mình đã, đang làm gì trên mạng là vô cùng quan trọng. Để xảy ra hậu quả rồi mới ngăn chặn thì quá muộn, khó có thể cứu vãn.

* Dường như trên thế giới ảo, mọi thứ bây giờ đều rất dễ dàng. Dễ kết bạn, dễ yêu, dễ đưa nhau vào những “cạm bẫy người” rất nguy hiểm và tàn khốc, bà nghĩ sao về điều này?

- Cũng đúng thôi! Như cháu bé 12 tuổi kia là một ví dụ quá đau lòng. Rõ ràng là con nhà có giáo dục, giàu có hẳn hoi, ai dám nghĩ nó đã có quan hệ tình dục với bạn trai từ năm 11 tuổi. Theo tôi, mọi chuyện đều nảy sinh từ thế giới ảo. Cha mẹ cứ thấy con đêm nào cũng ôm máy tính nghĩ là nó đang học, nó ngoan ngoãn lắm, làm sao họ biết lúc đó nó đang chat sex, xem những trang web đen hay chơi game bạo lực, game kích dục... Tất cả những điều đó đều dẫn đến một hệ quả là đứa trẻ không những nghiện game mà còn nghiện cả sex. Cả hai thứ đó ở Việt Nam đều chưa có nơi nào điều trị, ngoài bệnh viện tâm thần. Những đứa trẻ này rất khó lấy lại cân bằng và càng khó trở lại là một đứa trẻ bình thường.

* Có cách nào để lôi kéo những đứa trẻ từng phạm tội, hoặc là nạn nhân của những đường dây buôn bán người, hay những đứa trẻ nghiện game, chat trầm trọng trở về với đời thực không, thưa bà?

- Những đứa trẻ nghiện net, nghiện game hay bị cứu net, bán vào những động mại dâm... tìm đến tôi để trị liệu tâm lý, đều có một đặc điểm chung là không biết đâu là thật, đâu là ảo, không thể bước ra cuộc sống thực để hòa nhập. Thực tế, trẻ em nghiện net thường lên mạng tìm kiếm thông tin về game bạo lực, game tình dục, chứ không chơi game giải trí thông thường. Những đứa trẻ lang thang trên mạng triền miên, đều có vấn đề về tâm lý. Tại sao ngày càng nhiều trẻ em tự quay cảnh khoe hàng, tự rao bán mình trên mạng, bán dâm, thậm chí đổi tình dục lấy một lần cứu net? Chúng không phân biệt được giữa cái ảo và cái thực nữa, cứ nghĩ thực là ảo, ảo là thực, làm cho con người mê muội, dẫn đến hàng loạt những sai lầm, khó cứu vãn.

Theo tôi, phải giáo dục, định hướng, đừng để các em nghiện net rồi mới đi cai thì đã muộn. Quan trọng nhất là phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm. Khó khăn sẽ được khắc phục khi người trở về được nhìn nhận bình đẳng, không định kiến. Những em đến tuổi lao động, cần tìm cho các em một cái nghề chính đáng. Vừa rồi, tôi có tư vấn tâm lý cho một trường hợp nạn nhân được cứu về đã lâu mà vẫn không bình thường lại được. Tôi đã tham gia tư vấn, nhưng gia đình lại bất hợp tác. Người cha thì nói sẽ không nhìn nhận đứa con hư hỏng, từng làm điếm; người mẹ vẫn mải mê kiếm tiền. Mấy lần hẹn gặp bố mẹ cháu bé để nói chuyện mà chẳng thấy họ đến. Trong khi tôi đang cố gắng để giúp cho con họ mà họ lại cư xử như vậy thì đứa trẻ đó biết dựa vào ai?

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video