Trăn trở xóm rổ Bình Hòa

14/12/2010
Nhiều chị em phụ nữ ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tận dụng thời gian nhàn rỗi của mình để đan thúng, rổ nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Mô hình đan đát không chỉ giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của ông bà để lại, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn.

* Phát huy nghề truyền thống

 

Nếu có dịp đi ngang qua ấp Bình Hòa, sẽ thấy không khí lao động sôi nổi mà nhiều người ở đây quen gọi là xóm rổ. Chị em phụ nữ trong ấp đã tận dụng tre, trúc để đan thúng, rổ, nia, xề... xem đây là một cái nghề “cha truyền con nối” để lại qua nhiều thế hệ. Không cần phải qua trường lớp, chỉ theo hình thức nghề dạy nghề nhưng người già, trẻ, trai, gái đều có thể làm được. Nghề đan đát ở Bình Hòa đã xuất hiện lâu nên có tiếng vang trên thị trường và được bao tiêu sản phẩm. Như gia đình chị Nguyễn Thị Út, ở ấp Bình Hòa thì nghề đan đát mà chị đang làm được truyền từ cha mẹ và ông bà để lại và nay chị tiếp tục truyền lại cho các con. Gia đình chị không có ruộng đất, chỉ sống bằng nghề đan thúng, đan rổ. Chị Út chia sẻ: “Nghề này đã giúp cho gia đình tôi kiếm thêm thu nhập. Chồng tôi ngoài thời gian đi làm thuê, làm mướn, lúc nào rảnh rỗi thì phụ vót tre, trúc để đan thúng, rổ theo đơn đặt hàng của các cơ sở”.

 

Hiện tại, mỗi ngày gia đình chị Út đan từ 6-10 cái rổ, thúng với giá bán từ 6.000-14.000 đ/cái tùy loại, nếu trừ chi phí cũng có thu nhập từ 40.000-50.000 đ/ngày. Các sản phẩm làm ra, hàng tháng đều có cơ sở ở Vĩnh Tường, hoặc TP.Vị Thanh xuống tận nơi để thu mua nên đầu ra chưa đáng lo ngại. Chị Út cho biết thêm: “Để đan được cái rổ cần phải trải qua nhiều công đoạn, như khâu chọn nguyên liệu tre, trúc, rồi đến chẻ, vót phải đều tay và cả kỹ thuật đan hoặc niềng vành, cột dây phải thật sự có thẩm mỹ mới bán chạy và được giá”.

 

* Nhiều trăn trở

 

Vài năm gần đây, nghề đan đát đang dần có xu hướng bị mai một bởi hiện tại đang gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, nhất là tâm lý của người dân thích các loại đồ dùng bằng mủ, nhôm, nhựa. Các sản phẩm này ngày càng hiện đại nên khả năng chiếm lĩnh thị trường cao hơn các sản phẩm đan đát truyền thống. Vì thế, nhiều chị em phụ nữ trong ấp Bình Hòa, mong muốn được thành lập câu lạc bộ đan đát để có thể hùn vốn, giúp các chị em phát triển ngành nghề từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Ba, ở ấp Bình Hòa cho biết: “Cuộc sống gia đình sống nhờ vào nguồn thu từ nghề đan đát là chính và đã gắn bó với nghề này hơn ba thế hệ”. Tuy thu nhập của gia đình từ 700.000-800.000 đ/tháng, nhưng nếu biết “gói ghém” cũng đủ để sinh hoạt hàng ngày và nuôi con cái ăn học. Nhưng điều lo lắng nhất là lực lượng lao động đang dần bị thiếu hụt, khi mà các gia đình trong xóm hiện nay mong muốn con cái học hành để mong tương lai của chúng tiến xa hơn thay vì chỉ quanh quẩn với nghề đan đát. Còn các trai, gái trong làng bây giờ thích làm công nhân cho các khu công nghiệp ở thị thành mà không còn thiết tha với nghề này nữa. Do đó, càng ngày nghề truyền thống ở Bình Hòa sẽ thiếu những tay nghề kế thừa có kỹ năng đan đát tốt ở những thế hệ tiếp theo.

 

Ông Nguyễn Trung Kiệt, Chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: Hiện nay ở ấp Bình Hòa có khoảng 15 hộ không đất canh tác chuyên sống bằng nghề đan đát. Dù mang lại lợi nhuận không cao, nhưng góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều gia đình ở khu vực nông thôn. Để từng bước giúp người dân liên kết trong sản xuất, tạo ra hàng hóa quy mô lớn, xã sẽ thành lập câu lạc bộ đan đát và tìm đầu ra cho sản phẩm, để cho các chị em phụ nữ an tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nghề đan đát để các thế hệ sau biết gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của ông cha để lại.

 

Tuy nhiên, với nhiều khó khăn như hiện nay, liệu nghề đan đát có còn tiếp tục phát triển. Vấn đề này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường và các ngành chức năng trong việc khôi phục và đầu tư cho ngành nghề truyền thống... 

Theo baohaugiang online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video