Top 5 lĩnh vực khởi nghiệp có khả năng phát triển sau đại dịch COVID-19

06/11/2021
Bên cạnh những thiệt hại trông thấy về nhân mạng, những dư chấn mà COVID-19 để lại cho nền kinh tế thế giới nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên đối với một số ngành công nghiệp đặc thù, đại dịch dường như lại là cơ hội mới để các startup bứt phá…

Tác động của đại dịch trong 2 năm bùng phát và hoành hành đã dẫn đến việc thay đổi thói quen và hành vi của xã hội. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp lớn đang rơi vào tình cảnh éo le, vật lộn để giành lại vị thế trong cuộc chiến sinh tồn, thì dưới một góc nhìn lạc quan, điều này lại tạo ra những cơ hội mới cho một số ngành công nghiệp đặc thù và nhiều khả năng trở thành xu hướng khởi nghiệp trong một vài năm tới. Dưới đây là top 5 lĩnh vực khởi nghiệp có khả năng phát triển sau đại dịch Covid-19.

Công nghệ giáo dục

Giáo dục trực tuyến đã trở thành nhu cầu của thời đại “bình thường mới” khi các trường học và cơ sở giáo dục không được phép hoạt động. Đối với toàn nhân loại, nhu cầu học tập và dung nạp kiến thức luôn là một nhu cầu vĩnh cửu, và sự tăng trưởng đột ngột của lĩnh vực giáo dục trực tuyến trên thế giới trong hơn 1 năm trở lại đây là minh chứng rõ ràng nhất. Các tổ chức giáo dục và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc dạy và học thông thường.

Cho dù có giả sử COVID-19 chưa từng xuất hiện trên thế giới, trong thời đại 4.0, việc khai thác, áp dụng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Đại dịch chỉ là yếu tố thúc đẩy chúng ta làm điều này sớm hơn mà thôi.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng từ tác động của đại dịch đã nhấn mạnh lại một thông điệp mà cả nhân loại đều đã biết: Tính mạng và sức khỏe quan trọng hơn tất cả. Theo đó, vị thế của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã được xã hội nhận thức lại và đẩy lên một tầm cao mới.

Điều này mang đến cơ hội lớn cho các cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong việc hoạch định, xây dựng thương hiệu và chuẩn bị các cơ chế hỗ trợ then chốt, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Phát triển ứng dụng, công cụ làm việc từ xa

Tiền đồ của việc xây dựng, phát triển các ứng dụng và công cụ làm việc từ xa chưa bao giờ sáng và thuận lợi hơn trong hoàn cảnh hiện nay. Trong viễn cảnh những tác động của đại dịch sẽ còn ảnh hưởng tới thế giới trong ít nhất một vài năm tới, cùng với những bất cập về thời gian, công sức, chi phí đi lại, hiệu suất làm việc …, việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng, công cụ hỗ trợ làm việc từ xa sẽ giải quyết hiệu quả những bài toán khó kể trên.

Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng

Với tình trạng cấm vận được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc giãn cách xã hội đang được thực hiện như một trạng thái bình thường mới trong những tháng sắp tới nếu không muốn nói là nhiều năm.

Và để đáp ứng nhu cầu bình thường mới, lĩnh vực Thương mại điện tử và Giao hàng đang nổi lên và phát triển một cách bùng nổ, được dự đoán sẽ là hướng đi đầy hứa hẹn của các Starup trong tương lai.

Ứng dụng giải trí trực tuyến

Với các lệnh cấm và hạn chế người dân đến những trung tâm giải trí, rạp chiếu phim, các ứng dụng giải trí trực tuyến trên điện thoại và máy tính trong thời gian qua đã lấp đầy khoảng trống và thực sự phát triển nhảy vọt ngoài sức mong đợi của các nhà lập trình. Tại Việt Nam, game online là một trong những mảng giải trí nhận được sự quan tâm lớn nhất với giá trị được ước tính khoảng 136 triệu USD (tương đương khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo của Sensor Tower cho biết, trong năm 2020, người dùng trên toàn thế giới đã dành tổng cộng 79.5 tỷ USD cho việc trả phí mua các ứng dụng di động trên kho tải Google Play và App Store. Trong đó, người dùng đã chi trả trên App Store là 47.6 tỷ USD và 31.9 tỷ USD trên Google Play, đạt mức tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

baophapluat.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video