Tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”

13/11/2013
Thực hiện kế hoạch hoạt động Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt và chương trình Mục tiêu quốc gia về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình năm 2013, hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam, ngày 11/11/2013, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Tọa đàm nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường sự chia sẻ, phối hợp hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là của các cấp Hội trong việc hỗ trợ các bà mẹ giáo dục, bảo vệ con cái. Tham dự và chủ trì Tọa đàm có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương, Trưởng ban Gia đình Xã hội – TW Hội Nguyễn Thị Tuyết Mai. Tọa đàm cũng đã thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cấp Hội LHPN, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng xem xét, thảo luận về vai trò của cha mẹ trong quá trình phát triển của trẻ: chăm sóc trẻ không bị suy dinh dưỡng, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ và giáo dục hình thành nhân cách trẻ em; thực trạng chính sách và công tác truyền thông giáo dục về vai trò cha mẹ; đề xuất chính sách, sáng kiến nhằm tăng cường vai trò của cha mẹ trong lĩnh vực này.

Nhiều thông tin được chia sẻ đã khiến đại biểu tham dự chú ý, quan ngại về vấn đề chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em hiện nay như: “Trung bình hàng năm có khoảng 7.000 trẻ em chết vì tai nạn thương tích, trong đó khoảng một nửa do đuối nước, có hàng nghìn trẻ bị hiếp dâm… Mà đó chỉ là những con số thống kê bề nổi bởi nhiều gia đình vì nhiều lí do mà che giấu sự việc” (tham luận Thực thi chính sách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở Việt Nam – khoảng trống trong chính sách hỗ trợ cha mẹ bảo vệ, chăm sóc trẻ em” của ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc – Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội)); “Chỉ có khoảng hơn 18,6% cha mẹ đạt về thực hành vệ sinh cá nhân cho trẻ, thực hành vệ sinh môi trường cho trẻ còn thấp hơn - chỉ đạt có 13,2%, thậm chí việc thực hành phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ chỉ đạt 1,2%” (Kết quả nghiên cứu về chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện tại 3 xã thuộc Phú Thọ, Quảng Trị và Kon Tum của bà Nguyễn Thị Minh Thủy – Đại học Y tế Công cộng)…

Nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng trên được các đại biểu thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm. Chị Hoàng Thị Thúy Hằng, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội đưa ra ý kiến: “Các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ ăn nói lễ phép, nhường nhịn lẫn nhau, khiêm tốn, biết ơn đấng sinh thành, giáo dục ý thức tiết kiệm, thái độ trân trọng công sức lao động đồng thời có động thái kịp thời để ngăn chặn các thói hư tật xấu của con. Việc giáo dục không chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, đặc biệt cha mẹ cần làm gương cho con cái”.

Giải pháp được đa số đại biểu tán thành là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; đặc biệt cần đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung chính sách về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng… cho trẻ. Với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, các cấp Hội cần tăng cường duy trì, nhân rộng những mô hình tốt, hiệu quả như mô hình “Chi hội không có con bỏ học”, CLB “Mẹ và con gái”, “Cha mẹ có con vị thành niên”…; phối hợp tổ chức các hoạt động xã hội tại cộng đồng, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, truyền thông, truyên truyền về vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ…

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cha mẹ, của gia đình trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em: Gia đình là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ, là trường học đầu tiên và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Hiệu quả việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các bậc cha mẹ, của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, sự thay đổi của nền kinh tế, sự hối hả của nhịp sống công nghiệp khiến cha mẹ không có đủ thời gian chu toàn việc chăm sóc, giáo dục con, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ như tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, trẻ em tảo hôn, trẻ em bỏ học sớm… Phó Chủ tịch Hội đánh giá cao các thông tin, đề xuất, sáng kiến mà các đại biểu tham dự Tọa đàm chia sẻ. Đây sẽ là cơ sở giúp Hội LHPN các cấp và cơ quan liên quan đưa ra những hành động, can thiệp cụ thể để hỗ trợ trực tiếp cho các bậc cha mẹ chăm sóc tốt cho trẻ, góp phần tăng cường vai trò của gia đình và cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ; đảm bảo cho mọi trẻ em được phát triển toàn diện.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video