Tổ chức Hội phụ nữ - điểm tựa để phụ nữ Mang Yang (Gia Lai) thoát nghèo

18/01/2011
Để hỗ trợ các chi hội phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hội LHPN huyện đã huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ, phát động nhiều hình thức tạo nguồn vốn tùy theo đặc điểm mỗi địa phương.

Hội phụ nữ huyện Mang Yang hiện có hơn 8.200 hội viên, sinh hoạt tại 106 chi hội, 239 tổ hội. Với hơn 60% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, gần 90% hội viên làm nông nghiệp, đời sống hội viên tham gia tổ chức hội đa phần còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hội viên còn mù chữ nên khả năng tiếp cận với những kiến thức mới để giúp cho bản thân, gia đình phát triển còn hạn chế.

Vì thế, để chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập” thực sự có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên luôn là tâm huyết của các cấp hội phụ nữ huyện. Nói về điều này, chị Bùi Thị Lý, chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Chương trình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nhiều năm qua luôn được chúng tôi coi là chương trình trọng tâm, với mục tiêu giảm tỷ lệ hội viên đói nghèo xuống mức thấp nhất”. Để hỗ trợ các chi hội phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hội LHPN huyện đã huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ, phát động nhiều hình thức tạo nguồn vốn tùy theo đặc điểm mỗi địa phương.

Huyện hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách cho 3.500 hội viên được vay với số vốn 36,5 tỷ đồng. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và quản lý được nguồn vốn vay, huyện hội thường xuyên phối hợp với ngân hàng tổ chức khảo sát tình hình thực tế trước mỗi lần cho vay. Đồng thời tuyên truyền, tổ chức các đợt tập huấn, học tập kinh nghiệm trong sản xuất để chị em sử dụng hiệu quả đồng vốn.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các hội cơ sở chú trọng công tác hỗ trợ hội viên nghèo, hội viên neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở hội đã gây quỹ bằng nhiều hình thức như xây dựng kho thóc tình thương, lao động gây quỹ, tạo quỹ đất, rẫy, góp vốn xoay vòng, góp vốn bằng cà phê, nuôi bò tình thương. Hiện nay, toàn huyện có 21 kho thóc tình thương với gần 20 tấn thóc, 12 tổ nhóm tín dụng tiết kiệm thu hút 250 thành viên tham gia với tổng số vốn là 542 triệu đồng.

Đặc biệt, huyện hội đã làm điểm mô hình “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, tại 2 xã Lơpang, Ayun, đến nay đã nhân rộng tại 100% cơ sở hội. 2 mô hình này đã giúp cho 30 PN dân tộc, trong đó có 24 phụ nữ thoát nghèo. Thực hiện cuộc vận động xây, sửa “mái ấm tình thương”, từ năm 2005 đến nay, huyện hội đã xây dựng được 6 căn nhà, sửa chữa 7 căn nhà bị xuống cấp cho hội viên đơn thân. Ngoài ra, một số cơ sở hội còn có sáng kiến nuôi bò, nuôi heo tình thương. Hội phụ nữ trích quỹ từ trồng mì mua bò giống về giao cho hội viên nghèo nuôi. Đến khi bò mẹ, heo mẹ sinh được bê con, bò mẹ sẽ được chuyển cho hội viên khác nuôi, gia đình được giữ lại bê con, heo con để làm vốn. Với hình thức này, đến nay đàn bò, đàn heo đã lên đến 31 con giao cho 31 chị hội viên nuôi. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”, từ năm 2006 đến nay, các cấp hội phát động phong trào nuôi heo đất, xây dựng hũ gạo tình thương. Hơn 4000 hội viên khó khăn đã được hỗ trợ, giúp đỡ từ những đồng tiền, hạt gạo chị em tiết kiệm được.

Nhờ có các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đã có hàng ngàn hội viên được giúp đỡ, thoát khỏi đói nghèo. Đến nay, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 12%, trong số hơn 1000 hội viên thuộc diện nghèo, gần 900 hội viên đã được nhận sự giúp đỡ từ tổ chức hội phụ nữ. Đã có 49 chị thoát nghèo bền vững, hầu như không còn hội viên đói.

Đối với nhiều hội viên, tổ chức hội phụ nữ thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cũng như vật chất. Chị Trần Thị Kim, hội viên chi hội 6, hội phụ nữ thị trấn Kontang xúc động tâm sự: Từ 5 năm nay, chồng con tôi bị bệnh hiểm nghèo, không có đất, vốn sản xuất, chi hội phụ nữ tổ đã giúp đỡ tôi rất nhiều từ vốn vay ngân hàng, đến thăm hỏi, động viên tôi rất nhiều. Tôi thực sự rất biết ơn các chị trong BCH hội phụ nữ”.

Hiệu quả của phong trào giúp phụ nữ làm kinh tế đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Cũng chính nhờ hiệu quả của các phong trào thiết thực trên, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào tổ chức hội. Tỷ lệ thu hút phụ nữ của Hội Phụ nữ huyện Mangyang đạt trên 90%, đứng thứ 2 trong số các tổ chức đoàn thể của huyện.

Trần Thị Hường – Hội LHPN tỉnh Gia Lai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video