Tình yêu vượt qua ngục tù

18/06/2018
Có đôi vợ chồng hoạt động tình báo cách mạng bị bắt một ngày, bị giam cùng một ngục. Họ bị đánh đập dã man và đối diện với những thủ đoạn mua chuộc thâm độc của địch nhưng vẫn kiên trung với Đảng, với cách mạng, trước sau không khai báo lưới hoạt động của mình.

Lần lượt vượt ngục, cả hai trở về tiếp tục chiến đấu trên mặt trận thầm lặng cho đến ngày đất nước thống nhất. Đó là vợ chồng Đại tá Nguyễn Nho Quý - Cao Thị Thược.

Đầu năm 1955, đang phụ trách lưới tình báo 5 cơ sở ở Huế, chàng trai người Quảng Nam Nguyễn Nho Quý nhận được lệnh của trên chuẩn bị sang Lào hoạt động. Giao nhiệm vụ cho anh tại Hà Nội, Giám đốc Nha Tình báo Trung ương Trần Hiệu nói:

- Đây là nhiệm vụ vừa nắm địch từ xa, vừa là nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với hai nước bạn Lào và Campuchia. Là nhiệm vụ chiến lược lâu dài nên cậu phải ổn định đời tư, nghĩa là phải lập gia đình, vì cậu cũng đã 30 tuổi rồi. Nha sẽ đứng ra giới thiệu và cưới vợ cho cậu để làm bình phong, hợp pháp hóa danh phận trong lòng địch.

Người mà Nha Tình báo Trung ương giới thiệu để rồi trở thành người bạn đời của Nguyễn Nho Quý, cùng với anh chia sẻ những gian khổ hiểm nguy trong suốt cuộc đời hoạt động tình báo thì ra là một cấp dưới của anh. Người con gái xứ Huế ấy là Cao Thị Thược, tên hoạt động là Cao Thị Thanh Phương, mới 21 tuổi, liên lạc viên chuyển giao tin tức từ nội thành Huế đến sông Bến Hải, để từ đó nối liên lạc ra Bắc theo hệ thống trạm liên lạc của Nha Tình báo Trung ương. Vì mới chỉ là quan hệ cấp trên, cấp dưới chứ chưa có tình ý gì, nên khi được cấp trên giới thiệu, cả hai có chút ngại ngùng nhưng rồi nhanh chóng qua đi để rồi đến với nhau. Đầu tháng 4-1955, họ tổ chức lễ thành hôn. Lúc đó, Nguyễn Nho Quý mang danh nghĩa là một nhà thầu ở Huế. Còn vợ ông, trước đó với bí danh là Ngọc Anh, được tổ chức xây dựng vỏ bọc hợp pháp là nữ quân nhân làm việc tại phòng thông tin của quân đội Pháp, sau Hiệp định Geneve 1954 thì bàn giao cho đệ nhị quân khu của chính quyền Ngô Đình Diệm (đến ngày 1-5-1957 đổi là quân đoàn 1).

Nhưng niềm hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”. Vào một buổi tối đầu tháng 7-1955, Nguyễn Nho Quý vừa đi làm về thì một chiếc xe Dodge đỗ xịch trước cổng. Từ trên xe, 4 tên lính đi thẳng vào nhà bắt hai vợ chồng về cơ quan an ninh quân đội của chúng. Với linh cảm của người hoạt động tình báo, hai vợ chồng biết rằng mình có thể đã bị lộ do một đường dây liên lạc nào đó bị vỡ. Chúng đưa hai vợ chồng đến căn phủ Hoàng Tùng Đệ, từng là nơi ở của một ông hoàng trong dòng tộc của triều đình Huế. Thừa lúc bọn địch chưa để ý, Nguyễn Nho Quý nhanh chóng thống nhất với vợ về lời khai khi bị chúng tra khảo: Không bao giờ thừa nhận mình tham gia Việt Minh, “Việt Cộng”; gia đình là tư sản làm thầu khoán, có nhà, có xe hơi, làm ăn kinh doanh đàng hoàng; phải dũng cảm chịu đựng trước ngón đòn tra khảo của địch, tuyệt đối không hé răng khai báo bất cứ điều gì… Tuy không nói gì, nhưng nhìn ánh mắt, Nguyễn Nho Quý biết vợ mình sẽ kiên gan cùng anh giữ khí tiết của nhà tình báo cách mạng.

Nửa đêm, cánh cửa phòng giam Nguyễn Nho Quý bị giật mạnh và mở toang. Một tên tướng mạo lì lợm, bặm trợn, da ngăm đen, có lẽ là chỉ huy tốp lính trực đêm, dữ dằn bước vào đưa cho anh một tờ giấy và cây bút rồi hất hàm bảo:

- Mày khai lý lịch vào đây!

Nguyễn Nho Quý trả lời:

   - Vợ chồng chúng tôi có tội tình gì mà các ông bắt về giam ở đây?

Thấy anh không có vẻ gì sợ hãi, y dùng hết sức lực ra một đòn cực mạnh làm anh ngã sõng soài rồi cầm hai cổ chân kéo anh sang phòng bên để tra khảo. Tại đây có 4 tên lính đang chờ sẵn. Chúng xúm lại trói chặt anh trên một chiếc ghế dài rồi đánh đấm không thương tiếc. Vừa đánh, chúng vừa hỏi: “Mày làm cán bộ gì, ai chỉ huy mày, trong tổ chức mày có những ai?”. Lần đầu tiên trong đời Nguyễn Nho Quý phải nếm trải những ngón đòn tra tấn trong nhà tù của địch mà những bậc đàn anh kiên cường, bất khuất hồi kháng chiến ở Quảng Nam, Đà Nẵng kể cho anh nghe. Anh gồng mình, nghiến răng chịu đựng những đòn đau tê dại ở đôi bàn chân, gót chân rồi ống chân. Đau đớn cứ dồn dập thấm vào con tim làm anh ngất đi tỉnh lại không biết bao lần. Theo thống nhất với vợ, cứ mỗi lần chúng ra đòn là anh la lên rằng, mình không phải là Việt Minh, mình là người làm ăn… Mặc, chúng vẫn vừa đánh vừa nói: “Mày là Việt Cộng, mày đừng có chối!”. Mỗi cuộc tra tấn kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ, cho đến khi anh bất tỉnh chúng mới bỏ đi.

Cứ vậy, mỗi đêm chúng tra tấn thì sáng hôm sau Nguyễn Nho Quý mới tỉnh dậy, toàn thân đau buốt không cử động được. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là sự an toàn của từng người trong mạng lưới điệp báo của ta, không biết tổ chức đã có biện pháp ứng phó gì chưa? Anh đinh ninh, dù có bị tra tấn tàn khốc thế nào đi nữa, dù có hy sinh, nhưng kiên quyết phải bảo vệ các cơ sở của lưới an toàn. Rồi anh nghĩ đến người vợ đang bị tra khảo ở một phòng khác. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho cả hai vợ chồng, nhưng điều anh lo lắng nhất là vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Nếu chúng dã man sử dụng nhục hình vào chỗ hiểm thì liệu cô ấy có đủ sức chịu đựng không, có bảo toàn được tính mạng hai mẹ con không? Rồi anh tự nhủ rằng, vợ anh chắc chắn sẽ vượt qua, bởi sinh trưởng trong gia đình cách mạng, năm 1949, cô ấy đã tự nguyện tham gia công tác tình báo nên được rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật và chịu đựng gian khổ.

Hai vợ chồng ở hai nơi bị tra tấn triền miên như thế, cho đến một buổi chiều ngày thứ mười, đang thiêm thiếp vì trận đòn dữ từ sáng thì bọn lính ném vợ anh vào phòng và bảo: “Cho chúng mày ở với nhau, liệu mà khai sẽ được sống, nếu không sẽ chết cả hai”. Anh xót xa khi thấy cổ tay vợ mình sưng to và bầm giập, mặt mũi trầy xước và sưng húp. Nhưng anh biết, vợ anh đã dũng cảm chịu đựng, không khai bất cứ điều gì ngoài những câu mà cả hai đã thống nhất. Một niềm thương yêu xen lẫn tự hào bùng lên trong anh. Ngồi bên vợ, anh được biết vợ anh cũng bị tra tấn kết hợp như anh nhưng theo kiểu khác, như kẹp cổ tay rồi siết dần, bạt tai, quất roi… Vừa tra tấn, chúng vừa hỏi: “Mày nhận nhiệm vụ do ai giao? Có phải chồng mày giao không? Mày liên lạc với con G. bao nhiêu lần rồi?...”. Rất kiên gan, vợ anh một mực nói với chúng những điều anh đã dặn.

Nghe vợ kể, anh hiểu việc vợ chồng anh bị bắt là do một giao liên ở khu vực giới tuyến tên G., từng là bạn học với vợ, bị bắt không chịu đựng được tra tấn nên khai ra. Như vậy, lưới của anh chưa bị lộ, mà bọn địch mới mang máng vợ chồng anh có tham gia cách mạng, có liên lạc với cô G., nhưng ở mức độ nào thì chúng chịu. Như vậy, chúng nhốt vợ chồng anh vào một phòng là để gây đòn tâm lý. Có thể, vì vợ anh đang mang thai, chúng dụ dỗ người này, tra tấn người kia, lợi dụng tình cảm để ép hai người phải dần dần khai ra sự thật…

Nhưng bọn địch đã nhầm. Ở bên nhau, chịu đựng những trận đòn tàn bạo của kẻ thù và tinh thần bất khuất của cả hai, tình yêu của họ trở thành vô bờ bến. Đêm đêm, hai vợ chồng lại chia sẻ với nhau những vần thơ cách mạng, kể cho nhau nghe những tấm gương anh hùng của bậc tiền bối để vơi bớt nỗi đau thể xác và củng cố thêm niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Nhưng bằng mọi giá cũng phải trốn thoát để trở về với cách mạng, với nhiệm vụ mà Nha Tình báo Trung ương tin tưởng giao cho. Ý nghĩ ấy luôn luôn nung nấu trong đầu Nguyễn Nho Quý. Những lúc tỉnh táo, anh suy đoán rằng lực lượng bắt giam vợ chồng anh là an ninh quân đội do Pháp chuyển giao mà đa số mới tuyển dụng nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Anh xem xét thật kỹ căn phòng chúng giam giữ vợ chồng anh và thấy rằng nó cũng giống như phòng làm việc bình thường chứ không phải buồng giam chuyên dụng. Sau khi cùng vợ quan sát những tường rào xung quanh phòng giam mỗi lần được chúng cho đi vệ sinh, anh bàn với vợ kế hoạch vượt ngục. Suy tính mãi, cuối cùng cả hai quyết định chỉ mình anh vượt trại giam, vì vợ anh bụng mang dạ chửa khó lòng trốn thoát nếu chúng truy đuổi.

Khoảng 3 giờ ngày rằm tháng 8-1955, trăng đang sáng vằng vặc bỗng chốc mây đen ùn ùn kéo đến làm cho bầu trời tối sầm lại, rồi mưa xối xả trút xuống. Nhìn ra ngoài, cây cối ngả nghiêng, bọn lính canh đã rút vào trong để tránh mưa. Thời cơ đến. Dặn dò vợ xong, mặc dù còn nhiều nỗi niềm giằng xé, Nguyễn Nho Quý lao lên bám chặt bờ tường, tháo thanh chấn song ở cửa sổ, rồi thả sợi dây đã được chuẩn bị, cất giấu từ trước, đu mình vượt ra ngoài lẩn vào bóng đêm. Đọng mãi trong ký ức của anh là đôi mắt sáng của vợ trong đêm tối, đôi mắt quả cảm và tin tưởng.

Sau hai tháng kể từ ngày Nguyễn Nho Quý vượt ngục, không có chứng cứ gì, bọn địch đành thả Cao Thị Thược. Khi con được 8 tháng tuổi, tổ chức đã đưa mẹ con chị sang Lào, nơi Nguyễn Nho Quý đang hoạt động để vừa đoàn tụ gia đình, vừa trợ giúp chồng. Họ đã sống, chiến đấu và trải qua nhiều gian khổ, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc  mọi nhiệm vụ được giao cho đến ngày Tổ quốc thống nhất.

Hiện nay, ông Nguyễn Nho Quý 93 tuổi, còn bà Cao Thị Thược ngoài 80. Hai ông bà sống vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kể với chúng tôi câu chuyện này, Đại tá Nguyễn Nho Quý, nguyên cán bộ Tổng cục II, Bộ Quốc phòng không giấu niềm cảm phục, yêu thương và tự hào về người bạn đời đã đồng hành với mình hơn 60 năm qua.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video