Tình bạn đi qua chiến tranh của những người phụ nữ Việt - Mỹ

11/03/2019
Mối quan hệ giữa Phụ nữ Hoa Kỳ và Phụ nữ Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện cuộc gặp mặt đầu tiên vào năm 1965 tại Jakarta (Indonesia) giữa phụ nữ Hoa Kỳ với đại diện Hội LHPN Việt Nam (miền Bắc) và Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cơ duyên từ bức ảnh

Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, một phái đoàn Mỹ sang Việt Nam gặp nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Lúc này nhà văn Mỹ Lady Borton, người dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đang xem lại cuốn sách “Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước” bà đã dịch để tái bản. Bà Lady đã tặng cho mỗi người trong phái đoàn Mỹ một cuốn tiếng Anh.

Bà Lady kể: “Trong phái đoàn có ông James W.Russell đã viết thư cảm ơn tôi và nói rằng tìm thấy trong cuốn sách có tấm hình bạn của James chụp cùng với bà Bình ở Jakarta, Indonesia năm 1965. Người bạn đó chính là luật sư Nancy Hollander và ông James đã viết email cho bà Nancy. Bà Nancy đã tìm mua cuốn sách này và xin James địa chỉ email của tôi. Chúng tôi đã kết nối email với nhau để hỏi về người bạn chung là bà Bình”.

“Sau đó bà Nancy cho biết bà còn giữ một số tài liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị ở Jakarta năm 1965 và một số tài liệu gửi theo đường bưu điện sau đó. Nhưng Nancy không biết tặng cho ai. Tôi nói hãy giao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam” - bà Lady Borton kể. Và bà Lady cũng là người đã vận chuyển khối tài liệu, hiện vật này từ Mỹ sang Việt Nam, đồng hành với các cán bộ của Bảo tàng bước đầu nghiên cứu, phân loại, lập danh mục, xác minh nội dung lịch sử của hiện vật, tư liệu.

 Ảnh minh họa

 Cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách giữa nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander với người bạn Việt Nam đã tham cuộc gặp gỡ năm 1965 là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng phái đoàn phụ nữ miền Nam Việt Nam ngày ấy


Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết: “Hơn 450 tài liệu, hiện vật là những minh chứng sống động của một thời kỳ lịch sử. Có những hiện vật có ý nghĩa đặc biệt, như: Bản tuyên bố chung của cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam - Bắc Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965, có chữ ký của các thành viên của hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam

Hay như chiếc khăn, vật dụng thông thường với phụ nữ Việt Nam, nhưng trên đó còn mang khẩu hiệu chống chiến tranh. Từ những năm 1986 - 1987, chúng tôi vào miền Nam sưu tầm hiện vật, tài liệu kháng chiến, được nghe nhiều má kể về những chiếc khăn như vậy, nhưng không ai giữ lại được. Nay Bảo tàng đã được trao tặng hiện vật quý giá này”.

Cuộc gặp sau hơn nửa thế kỷ

Theo bà Nancy Hollander, sáng kiến cho buổi gặp mặt đến từ Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) từ mùa thu năm 1961. Thực hiện nghị quyết tại hội nghị nhóm WSP ở thành phố Philadelphia, Mỹ vào tháng 11/1964, hai thành viên nữ của nhóm WSP, người đã tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đã đề xuất cuộc gặp mặt giữa Đại sứ quán miền Bắc Việt Nam và các cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đề xuất đã được thông qua và kế hoạch được thực hiện bởi tình hình cấp bách của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách giữa nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander với người bạn Việt Nam đã tham cuộc gặp gỡ năm 1965 là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng phái đoàn phụ nữ miền Nam Việt Nam ngày ấy. 

 img_20190307_144251.jpg

 Tấm ảnh bà Nancy chụp với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình năm 1965


Sau đó, WSP tự quyên góp tiền để trang trải chuyến đi. Phía Việt Nam chuẩn bị về mặt tư liệu (bản sao Hiệp định Geneve cho mọi người; tờ thông tin về Việt Nam, báo…). Thành viên từ mỗi nhóm đã báo cáo tình hình quê nhà và đưa ra diễn biến cuộc chiến tranh Việt Nam, giúp phụ nữ Mỹ đã hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, sự chia cắt đất nước và tình hình chiến tranh ở Việt Nam.

Tại cuộc gặp, ba bên cũng ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết: “Điều đó có nghĩa rằng quân đội Mỹ cần rút khỏi miền Nam Việt Nam, cuộc chiến ở miền Bắc Việt Nam phải được chấm dứt, và người dân Việt Nam được toàn quyền quyết định cuộc sống của họ mà không bị áp buộc bởi bất kỳ quốc gia nước ngoài nào… Là những người phụ nữ, chúng ta không thể ngơi nghỉ cho đến khi trẻ em Việt Nam và trẻ em Mỹ, tất cả trẻ em có thể tự do lớn lên trong nền hòa bình và an toàn”.

Sau cuộc gặp gỡ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thường xuyên gửi thư và tài liệu tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam để phụ nữ Mỹ lấy làm tài liệu tổ chức hoạt động chống chiến tranh. Không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mà cả các tổ chức khác như: Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Liên đoàn Sinh viên Quốc gia Việt Nam, Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam, Hội Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, các cá nhân… cũng gửi thư, tài liệu tuyên truyền tới phụ nữ Mỹ (mà cụ thể là tới các thành viên phái đoàn phụ nữ Mỹ trong đó có bà Nancy).

Cuộc gặp gỡ tại Indonesia đã đi vào lịch sử hơn 50 năm và tưởng chừng không mấy ai nhớ đến, nhưng tình cờ, những con người tham gia cuộc gặp gỡ ấy đã kết nối được với nhau trong thời bình.

Khi gặp lại bà Nancy Hollander, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rất xúc động, nói: “Cuộc gặp gỡ 1965 là một sự kiện rất quan trọng, vì đó là cuộc gặp đầu tiên của phụ nữ, cũng là của nhân dân Mỹ với những đại biểu của nhân dân Việt Nam, sau đó mở ra nhiều cuộc gặp gỡ của các giới khác giữa hai nước. Phụ nữ cũng như nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những người bạn Mỹ đã đấu tranh để chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi luôn nghĩ phong trào hòa bình, đoàn kết với Việt Nam ở Mỹ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam”. 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video