Thương mại điện tử - giải pháp vàng cho nông dân thời Covid-19

05/08/2021
Trong đại dịch COVID-19, nông dân cần chuyển dần sang mua sắm trên các nền tảng trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Chính điều này sẽ giúp hoạt động thương mại điện tử nông sản trở nên sôi động...
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: https://www.vietnamplus.vn/)

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nặng nề đối với người nông dân – lực lượng chiếm đến 65% dân số cả nước. Sự đứt quãng của chuỗi cung ứng khiến người nông dân khó tìm được hạt giống, con giống, phân bón, thức ăn và các dịch vụ cần thiết cho chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là vấn đề buôn bán, trao đổi sản phẩm làm ra. Việc hạn chế đi lại khiến người nông dân không thể tiếp cận các khu chợ để bán sản phẩm. Điều này, thúc đẩy người nông dân cần phải chuyển hướng đến kỹ thuật số của ngành nông nghiệp.

Thương mại điện tử (e-commerce) trong nông nghiệp đang và sẽ giúp tăng hiệu quả của thị trường cùng với các chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện thu nhập và đời sống cho nông dân và tạo việc làm mới cũng như các cơ hội kinh doanh mới trong nghề nông và các lĩnh vực liên quan. Trong đại dịch COVID-19, nông dân cần chuyển dần sang mua sắm trên các nền tảng trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Chính điều này sẽ giúp hoạt động thương mại điện tử nông sản trở nên sôi động.

Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cần là bà đỡ, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là ngân hàng có chính sách hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông (miễn phí tiền di động) cho các giao dịch có giá trị nhỏ. Khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử kết nối với người dân trong thời gian phong tỏa, trong đó có cả hoạt động buôn bán nông sản tươi mới từ các hộ nông dân, các trang trại,  kết nối nông dân với người tiêu dùng.

Với thương mại điện tử, bán hàng online, các chuỗi giá trị nông nghiệp trở nên minh bạch hơn và giảm trung gian so với các hình thức mua bán truyền thống. Nhờ vậy, người nông dân có thể tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn, giúp giảm lãng phí thực phẩm vì cho phép người nông dân tìm người mua đúng lúc thu hoạch, tăng hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí, quản lý hiệu quả nguồn tiền và minh bạch trong tài chính.

Tuy nhiên, thương mại điện tử trong nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đáng kể nhất là thiếu phương tiện vận tải ở các vùng nông thôn, đặc biệt nông dân ở vùng sâu vùng xa vì chi phí vận tải cao. Do vậy cần được hỗ trợ đầu tư các mục như nhà xưởng, xe tải và các chuỗi bảo quản lạnh v.v. Nếu không có  vốn này, sẽ hạn chế nguồn lực của nông dân, khiến họ khó mở rộng quy mô trang trại. Cuối cùng, và cũng là khó khăn lớn nhất, là làm sao các hộ nông dân cần liên kết với nhau, với các hợp tác xã, các khu vực có thể tạo ra đủ sản phẩm để bán hàng quy mô tương đối lớn.

Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung vào các trang trại nhỏ và vừa, các hộ nông dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ  để bán được sản phẩm  qua mạng. Việc này cho phép người bán hàng tiếp cận với các mạng lưới phân phối sản phẩm, các phương thức thanh toán, nhằm đảm bảo chất lượng phù hợp,giám sát và đánh giá sản phẩm. Việc này cũng tạo một sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng hướng đến việc mua các nông sản tươi mới qua mạng. Từ đây tạo ra một chợ điện tử, kết nối thành công các nhà bán hàng không chính thống với người tiêu dùng, kết hợp nông dân với các thị trường ở đô thị, củng cố các chuỗi cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo các cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam.

Đây cũng là một chiến lược mới về thương mại điện tử với các chuỗi giá trị nông nghiệp, kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng xuất khẩu nông sản hơn nữa, thúc đẩy giao dịch buôn bán nông sản qua mạng, tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường của người nông dân, đóng góp cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh nông nghiệp nói chung. Chính vì vậy thương mại điện tử sẽ trở thành điểm tựa cho người nông dân vượt qua khó khăn của đại dịch. 

 

PGS. TS. Lê Thị Thuý, Phó Ban Khoa học Công nghệ, Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video