Thước đo phẩm hạnh phụ nữ Hà Nhì

22/10/2012
Đến Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), bạn đừng ngạc nhiên nếu chẳng thấy bóng người đàn ông Hà Nhì nào ra đường. Thói quen của họ là ở nhà trông con, uống rượu và nếu có phải đi làm thì họ cũng đi cày bừa tận ruộng nương xa trong núi.

Dọc theo những lối đi lên nương, về bản, nếu có bóng người chỉ toàn phụ nữ. Phụ nữ Hà Nhì rất ít khi xởi lởi, trò chuyện, nhất là với khách lạ. Khi ra đường, họ thường cúi mặt, những bước đi lui cui như phải mang trên cổ một xiềng xích vô hình và củi bao giờ cũng chất ngất trên quẩy tấu (gùi lớn) phía sau lưng họ. Phụ nữ Hà Nhì gùi củi bằng hai vai và cả bằng… trán.

Ngay từ sớm tinh sương, những người phụ nữ Hà Nhì đã thức giấc, một tay đỡ gùi lên lưng, tay kia vội vàng cầm nắm cơm non (cơm từ gạo lúa non), nhẫn nại vừa ăn, vừa cất bước vào rừng. Những chuyến đi rừng của họ thường kéo dài cả ngày. Sáng dậy đã nghĩ đến củi, tối mịt trở về, gùi củi nặng lặc lè, ấm nóng da thịt và mồ hôi con gái.

Con gái Hà Nhì nết na như con gái Thái, nhưng đẹp lạ lùng với mũi cao, mắt sáng, nước da trắng ngần và nụ cười e ấp như níu bước chân người. Chỉ có một điều, dáng đi của họ cứ xiêu đổ về phía trước. Ở bản Hà Nhì người ta thường nhìn đống củi để xét nét về tài đức của một cô gái. Đống củi càng lớn, chất gỗ càng tốt càng chứng tỏ cô gái ấy là người chịu thương, chịu khó, đảm đang công việc gia đình...

Chính sự lam lũ, vất vả đã làm nên phong tục, những nét riêng biệt của người phụ nữ Hà Nhì. Trang phục phụ nữ Hà Nhì có một vạt áo rủ ở phía sau, dài tới tận quá khoeo chân (cái chắn bùn). Theo mỗi bước đi, "cái chắn bùn" vải ấy cứ lật phật, bùng nhùng. Nhưng theo Sảo Mi, cô con gái của Trưởng bản Mù Cả, “Tà vải dư thừa ấy để giúp cho các chị, các mẹ ngồi bệt xuống nghỉ chân khi quá mệt…".

Cả cuộc đời, gùi củi bám trên lưng, họ đã sáng kiến tự làm cho mình một mảnh vải đệm, để dù có ở trong rừng, nếu mệt chỉ việc tựa người, tựa gùi vào vách núi mà nghỉ...

Theo Dan Viet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video