Thúc đẩy bình đẳng và trao quyền năng cho phụ nữ khuyết tật

15/04/2021
Để tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp Hội nói riêng, xã hội nói chung đối với việc thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ khuyết tật góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước với tiêu chí “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo tham vấn các chuyên gia về Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 vào sáng 13/4.
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, đại biểu và đại diện lãnh đạo, cán bộ ban chuyên môn của TW Hội LHPN Việt Nam tham gia xây dựng, đưa ra các ý kiến liên quan đến nội dung chương trình hành động trong công tác trợ giúp người khuyết tật.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa hoạt động của các cấp Hội phụ nữ thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong tham mưu thực hiện các hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật (PNKT) được lồng ghép trong các nhiệm vụ chính trị của từng cấp Hội, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan; tạo điều kiện giúp PNKT cải thiện chất lượng cuộc sống, hướng tới xây dựng môi trường không rào cản, thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho PNKT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Các ý kiến của chuyên gia tham dự hội thảo xoay quanh các vấn đề về: giảm khoảng cách trong việc phân biệt đối xử bằng cách lồng ghép các giải thưởng cho PNKT trong các chương trình do các tổ chức doanh nghiệp nữ phát động; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ hội viên phụ nữ, cộng đồng về thực hiện chính sách xã hội và công tác trợ giúp PNKT; cần có nguồn ngân sách phù hợp để vận động xã hội nhằm thực hiện chương trình có hiệu quả; phối hợp với các tổ chức hội của NKT để quan tâm tới từng đối tượng; giúp PNKT được tiếp cận y tế, được tham gia nhiều hơn vào các cơ quan, đoàn thể, hoạt động xã hội một cách bình đẳng; nhấn mạnh yếu tố lồng ghép giới trong các hoạt động đề ra.

Trong đó, một số ý kiến đáng chú ý như, bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho rằng nội dung chương trình nên tập trung vào 3 vấn đề: truyền thông; nâng cao năng lực; rà soát và tiến tới xây dựng mô hình cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần có cơ sở thực tiễn và lấy ý kiến của các bên để thực hiện tốt các chương trình, lắng nghe nhu cầu của PNKT; xây dựng nâng cao năng lực cán bộ, chất lượng tổ chức Hội, đặc biệt cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ cụ thể hơn về chương trình vay vốn với điều kiện ưu đãi, hỗ trợ về mô hình sinh kế, mái ấm tình thương… cho PNKT nhất là đối với PNKT chưa là hội viên.

Bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Còn bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam thì chia sẻ, một số sản phẩm truyền thông dưới dạng văn bản audio hay điện tử lại không phù hợp trong hoàn cảnh còn nhiều PNKT thiếu kỹ năng, thiếu trang thiết bị để tiếp cận. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền về quyền, lợi ích hợp pháp của PNKT cần được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể hiện tính nhân đạo, đảm bảo việc nâng cao nhận thức không chỉ dừng lại ở cộng đồng, hội viên mà cả chính những PNKT để họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập, giao lưu chia sẻ...

Bà Trương Thị Thu Thủy -Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Gia đình Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam cho biết, các ý kiến tham vấn của chuyên gia tại hội thảo sẽ được Hội tiếp thu để hoàn thiện chương trình hành động trong thời gian tới; Đồng thời, Hội cũng sẽ phối hợp, kết nối chặt chẽ với các ban, ngành tăng cường sức mạnh của các tổ chức nhằm chăm lo, hỗ trợ và thực hiện triệt để chủ trương chuyển từ “trợ giúp nhân đạo từ thiện” sang quan điểm “phát triển và tạo động lực” cho người khuyết tật.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video