Thúc đẩy bình đẳng giới thực chất trong hệ thống bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội tại Việt Nam

16/07/2021
Tại hội thảo “Nhận diện vấn đế giới trong một số chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam”, một số biện pháp chính sách được khuyến nghị là áp dụng chế độ gia đình trẻ em đa tầng để hỗ trợ cho tất cả trẻ em ở Việt Nam, thúc đẩy tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, giảm rút BHXH một lần, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và hưởng các chế độ an sinh xã hội (ASXH)…
Ảnh minh họa

Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội và các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành với sự tham gia của một số đại biểu Quốc hội, bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện tổ chức ILO, TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh, thành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, bảo đảm quyền ASXH của mỗi người dân là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta và tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng xác định trong những năm tới. Trong hệ thống ASXH, hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò 

trụ cột, quan trọng nhất. Phát triển Bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách ASXH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu khai mạc hội thảo

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Một số quy định trong pháp luật về bảo hiểm xã hội đã tính đến các đặc thù về giới như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để được hưởng lương hưu; tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia…

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách BHXH cho thấy, diện bao phủ BHXH thực tế còn thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2020, mới chỉ có 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc (giảm 1,12% so với cùng kỳ 2019) và 2,31% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện, như vậy còn đến 66,5% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH, chủ yếu nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp. Số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặt khác, diện bao phủ của chế độ thai sản thấp, thực tế cho thấy phụ nữ trong năm 2019, chỉ có 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản, được thực hiện đối với phụ nữ tham gia BHXH bắt buộc, 70% phụ nữ còn lại đứng ngoài chính sách này gồm các đối tượng lao động nữ làm nông nghiệp, làm nghề tự do… Thiếu chính sách bảo vệ thai sản không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và thời gian làm việc của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực đất nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Nhận thức rõ về vai trò, chức năng và trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất nhiều chính sách, chương trình, đề án góp phần thực hiện ASXH, thể chế hóa quy định pháp luật về bình đẳng giới.

Nhiều chính sách đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lao động nữ như chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng ...

Để chuẩn bị cho quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nhằm hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng Luật, Hội LHPN Việt Nam đã rà soát các chính sách hiện hành, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu trong thực tiễn nhằm lắng nghe tiếng nói của phụ nữ về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (giữa ảnh) trao đổi với các đại biểu

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương mong muốn, thông qua hội thảo sẽ thu nhận được những khuyến nghị xác đáng, góp phần xây dựng và thực hiện bình đẳng giới trong các chính sách ASXH xã hội và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bà Valentina Barcucci  – Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam khẳng định, cần bảo đảm cho nam giới và phụ nữ được hưởng các cơ hội bình đẳng trong toàn bộ vòng đời của họ. Cơ hội bình đẳng giữa tất cả mọi người hiện đã được quy định trong nhiều chính sách, pháp luật của Việt Nam nhưng trong thực tế lại chưa được như vậy. Do đó, pháp luật cần điều chỉnh từ trung lập sang nhạy cảm giới, tiến tới đáp ứng giới. Bà Valentina Barcucci tin tưởng, Hội thảo sẽ thu thập được những bằng chứng để chứng minh cho các đề xuất những vấn đề Việt Nam có thể cân nhắc trong sửa đổi Luật BHXH sắp tới để có thể đảm bảo tính nhạy cảm giới, đáp ứng giới, thúc đẩy bao phủ bảo hiểm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới trong thực tế.

Bà Valentina Barcucci  – Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ của các chuyên gia về tổng quan về ASXH, đánh giá tác động giới trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các ý kiến phát biểu của chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành; cán bộ Hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về những vấn đề giới trong các chính sách ASXH, làm căn cứ để Hội tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian tới.

Các bài trình bày của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Hội LHPN Việt Nam tập trung làm rõ sự cần thiết phải tăng cường tính đáp ứng giới của Hệ thống Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam để giảm thiểu những bất bình đẳng giới mà phụ nữ phải trải qua trong suốt cuộc đời của họ, cả tại nơi làm việc và gia đình. Hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị quan trọng về cách thúc đẩy bình đẳng giới trong khuôn khổ việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trong đó, đại diện ILO đã nhấn mạnh việc áp dụng phúc lợi nhiều tầng cho trẻ em là một trong những biện pháp chính sách có tiềm năng tác động lớn hơn. Quyền lợi này bao gồm hai tầng. Tầng 1 sẽ cung cấp chế độ cho con cái của các bậc cha mẹ không tham gia BHXH tại Việt Nam và sẽ do NSNN đảm bảo. Trong khi đó, tầng thứ hai sẽ hướng đến các trẻ em có cha mẹ tham gia BHXH, với chế độ hưởng cao hơn và chi trả thông qua sự đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động, như tất cả các quyền lợi bảo hiểm xã hội khác.

Ông André Gama, Giám đốc chương trình ASXH của ILO Việt Nam trong phần trình bày về đánh giá tác động giới trong sửa đổi Luật BHXH của Việt Nam khẳng định, thực tế cuộc sống phụ nữ gặp nhiều thách thức hơn so với nam giới, điều này có thể là hệ quả của việc đối xử bất bình đẳng bắt nguồn từ hệ thống chính sách pháp luật. Hệ thống BHXH ở Việt Nam hiện nay đang được thiết kế và triển khai chưa tạo bình đẳng cho nam và nữ, chính vì vậy cần phải điều chỉnh thiết kế hệ thống này theo hướng nhạy cảm giới và đáp ứng giới hơn. Đồng thời cam kết ILO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam để hướng tới mục tiêu phát triển tốt hơn cho Việt Nam, thúc đẩy quyền lợi cho người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Ông André Gama, Giám đốc chương trình ASXH của ILO Việt Nam 

Các ý kiến tại Hội thảo là những thông tin vô cùng quý báu, có tính chất gợi mở để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án; góp ý và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, luật pháp về ASXH, bảo hiểm xã hội… nhằm thực hiện các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước và tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video