Thừa Thiên Huế với công tác thúc đẩy cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham chính

08/10/2021
Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo cơ hội bình đẳng thật sự để thúc đẩy phụ nữ tham chính.
Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi Phan Ngọc Thọ tặng hoa cho hai ứng viên thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp

Quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ tham chính

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt sự nghiệp bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sự tham gia lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đưa công tác quy hoạch cán bộ nữ vào chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, phấn đấu tăng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Giới thiệu danh sách cán bộ nữ tham gia ứng cử vào cấp ủy, HĐND các cấp. Kết quả, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng gần 5% so với nhiệm kỳ trước, đạt tỷ lệ từ 20-25%.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nêu rõ các sở, ngành, địa phương phải tăng cường quán triệt chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ một cách quyết liệt, hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ chính trị cần quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Chỉ đạo các địa phương có kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động quản lý điều hành, lồng ghép cơ chế, chính sách ưu tiên đối với cán bộ, công chức viên chức nữ như chế độ nâng lương, khen thưởng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm... tạo điều kiện để phụ nữ yên tâm công tác, phấn đấu và có nhiều đóng góp thiết thực hơn cho địa phương.

Tăng cường kiểm tra các quy định về độ  tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nữ vào các vị trí cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị các cấp. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho nữ cán bộ quản lý hoặc trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và nữ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; tổ chức các Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020-2025”; tổ chức thí điểm việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo (năm 2019, qua thí điểm thi tuyển đã có 01 nữ công chức trúng tuyển và bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc Sở Tư pháp). Thông qua diễn đàn, các đơn vị, địa phương trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị, địa phương thực hiện nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, đồng thời thúc đẩy thực hiện đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong từng giai đoạn.

Công chức nữ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế

Chỉ đạo Sở Nội vụ đã xây dựng Kế hoạch tổng điều tra, khảo sát tình hình số lượng, chất lượng của nữ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và 09 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Thông qua hoạt động này, đã xây dựng được hệ thống số liệu hoàn chỉnh về cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh, góp phần phục vụ đắc lực trong việc quản lý và báo cáo số liệu. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để đề ra các giải pháp, chính sách có liên quan đến công tác tạo nguồn, công tác quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ nữ tại địa phương.

Những khó khăn, thách thức

Mặc dù đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp nhưng tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, tham gia HĐND các cấp vẫn còn thấp so với quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng nữ trong tỉnh; chưa có nữ tham gia đại biểu Quốc hội ở địa phương trong nhiều nhiệm kỳ qua.

Công tác chỉ đạo của cấp ủy các ngành có nơi, có lúc vẫn chưa đặt công tác cán  bộ nữ thành vấn đề cấp thiết để tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, triệt để. Một số cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, bố trí phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ nữ. Công tác quy hoạch còn chung chung, chưa mang tính chiến lược lâu dài.

Giải pháp tạo cơ hội bình đẳng để phụ nữ tham chính

Từ những thực tế đó, để thực hiện tốt chiến lược về tăng cường số lượng phụ nữ tham chính cần phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Cần nâng cao nhận thức về vấn đề giới, bình đẳng giới cho các sở, ban, ngành và địa phương. Lấy việc đảm bảo các chỉ tiêu, yêu cầu về giới trong quá trình tổ chức xây dựng đảng và chính quyền nhà nước là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Luật hóa tỷ lệ phụ nữ tham chính trong tổ chức chính quyền nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Tăng cường chỉ  đạo các địa phương, đơn vị quan tâm nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ nữ trong diện quy hoạch của đơn vị, địa phương. Công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của cấp ủy và chính quyền các cấp, ưu tiên và quan tâm tuyển dụng công chức, viên chức nữ có trình độ đại học và sau đại học.

Đưa các chỉ số về phát triển phụ nữ và bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các địa phương, đơn vị khi lập kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của ngành mình, cấp mình cần quan tâm và thống kê các chỉ số đối với sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới kèm theo nguồn ngân sách để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Bổ sung chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ học tập, phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành và nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong đánh giá, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ cần căn cứ vào tiêu chuẩn, hiệu quả công việc; xem xét về khả năng và triển vọng của chị em.

Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, hướng dẫn thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) cho đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và cán bộ công chức, viên chức các cấp, các ngành, địa phương liên quan.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; nghiên cứu điều chỉnh các văn bản, chính sách có yếu tố cản trở thực hiện bình đẳng giới như quy hoạch, bổ nhiệm, nghỉ hưu… nhằm thực hiện hiệu quả quyền bình đẳng của phụ nữ trong công tác cán bộ.

Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video