Thu hẹp khoảng cách giới đối với phụ nữ có thể giúp các nền kinh tế vượt qua khủng hoảng

18/07/2022
Khác với các cuộc suy thoái kinh tế trước đây thường ảnh hưởng xấu tới nam giới hơn, đợt suy thoái kinh tế hiện nay đang ảnh hưởng đặc biệt xấu đến phụ nữ.
Ảnh minh hoạ

Đại dịch COVID-19 và nhiều cú sốc kinh tế toàn cầu đã cản trở tốc độ thu hẹp khoảng cách giới. Việc làm của phụ nữ dễ bị tổn thương hơn so với việc làm của nam giới tới 1,8 lần trong suốt đại dịch và tiếp tục bị gián đoạn trong thời kỳ suy thoái kinh tế sau đại dịch.

Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm nay cho thấy khoảng cách giới toàn cầu đã thu hẹp 68,1%, nghĩa là khi nền kinh tế toàn cầu bước vào năm gián đoạn thứ ba,  thì chúng ta cần 132 năm nữa để đạt được bình đẳng giới. Đây là một bước cải thiện nhỏ so với năm 2021 khi ước tính thời gian thu hẹp khoảng cách giới là 136 năm; tuy nhiên vẫn cao hơn so với mốc 100 năm được ghi nhận trước năm 2020.

Nói cách khác, bình đẳng giới đã bị chậm lại một thế hệ tương lai và phụ nữ đang phải gánh chịu gánh nặng của suy thoái kinh tế hiện nay.

Tại sao suy giảm kinh tế lần này lại tác động xấu hơn đối với phụ nữ?

Năm 2022, bình đẳng giới trong lực lượng lao động ở mức 62,9%, là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1996 khi chỉ số Khoảng cách giới bắt đầu được thực.

Bất bình đẳng trong lực lượng lao động trở nên trầm trọng hơn nhiều trong thời kỳ đại dịch, làm tăng gánh nặng của công việc chăm sóc đối với phụ nữ và đóng cửa nhiều ngành có tỷ lệ lao động nữ cao - như du lịch, lữ hành hoặc bán lẻ. Đồng thời, một số lĩnh vực bị tác động nhiều nhất cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nữ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các công việc thiết yếu khác.

Xét về mức độ đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, Báo cáo Khoảng cách Giới cho thấy chỉ có 19% và 16% lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực như các tổ chức phi chính phủ và giáo dục, phụ nữ nắm giữ hơn 40% vị trí lãnh đạo. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng trong số 500 công ty nằm trong danh sách Fortune, chỉ có 8,8% CEO là phụ nữ.

Gánh nặng chăm sóc và khủng hoảng tăng chi phí sinh hoạt đã tác động mạnh mẽ đến phụ nữ. Áp lực kinh tế đối với phụ nữ cũng góp phần làm tăng mức độ căng thẳng về tinh thần và thể chất, tạo ra một vòng luẩn quẩn với nhiều thách thức đối với cá nhân và nghề nghiệp của phụ nữ.

Sự đình trệ toàn cầu

Năm nay là năm thứ 16 Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá sự tiến triển về khoảng cách trên cơ sở giới trong bốn lĩnh vực: tham gia kinh tế và cơ hội; trình độ học vấn; sức khỏe và sự sống còn; và nâng cao quyền năng chính trị. Báo cáo cũng tìm hiểu tác động của những cú sốc toàn cầu gần đây đối với cuộc khủng hoảng về khoảng cách giới đang gia tăng trên thị trường lao động.

Năm nay, báo cáo đánh giá 146 quốc gia, trong đó Iceland (khoảng cách giới là 90,8%), Phần Lan (86%), Na Uy (84,5%) là những nước được xếp hạng cao nhất. Xét theo các chỉ số thành phần, khoảng cách giới về sức khỏe và sự sống còn trên toàn cầu đã thu hẹp còn 95,8%, trình độ học vấn giảm còn 94,4%, tham gia kinh tế và cơ hội còn 60,3%, trong đó nâng cao quyền năng chính trị vẫn ở mức 22%. Các chỉ số thành phần cũng thay đổi chút ít so với số liệu năm 2021, cho thấy tiến độ bị đình trệ trong một năm nhiều khủng hoảng. Báo cáo cũng nêu rõ việc đo lường khoảng cách và tìm hiểu nguyên nhân là bước đầu tiên để thu hẹp khoảng cách đó.

Tăng tốc bình đẳng giới

Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Khi có được nguồn nhân lực đa dạng, các công ty sẽ sáng tạo và năng suất hơn — đâyhai yếu tố luôn hết sức cần thiết cho một nền kinh tế đang hồi sinh và tái cấu trúc. Các quốc gia có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động có khả năng sẽ có năng suất cao và tăng trưởng bền vững hơn. Do đó, thu hẹp khoảng cách giới và bù đắp những thiệt hại do đại dịch là rất quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

1. Các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp cần đổi mới sự tập trung vào các ngành bị ảnh hưởng, bao gồm đánh giá lại giá trị của việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục – là những ngành cần đánh giá đúng như vậy. Điều này bao gồm trả lương đầy đủ và tăng tính chuyên nghiệp hóa để đảm bảo tầm quan trọng của các lĩnh vực này được nhận thức đúng mức.

2. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chăm sóc là lĩnh vực cần đầu tư. Với vai trò là lĩnh vực tạo việc làm, đầu tư cho hạ tầng chăm sóc sức khoẻ sẽ tạo ra tác động cấp số nhân cho các nền kinh tế. Cùng với chú trọng cơ sở hạ tầng vật chất, các chính phủ cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng chăm sóc và đầu tư vốn con người như những khoản đầu tư để tang trưởng  kinh tế.

3. Tập trung vào khả năng tiếp cận và môi trường thuận lợi cũng rất quan trọng ở nhiều nơi trên thế giới: bao gồm tiếp cận các dịch vụ tài chính, truy cập internet và các biện pháp bảo vệ pháp lý mở rộng, đảm bảo rằng không có phân biệt đối xử. Các biện pháp như vậy là cần thiết để phát triển một môi trường trong đó tất cả mọi người, kể cả các nhóm yếu thế đều có thể phát triển.

4. Lãnh đạo và nêu gương cũng rất quan trọng. Trong khi các tổ chức phi chính phủ, giáo dục, dịch vụ cá nhân và các lĩnh vực phúc lợi có xu hướng có tỷ lệ nữ lãnh đạo trên 40%, thì các ngành như năng lượng, CNTT, sản xuất và cơ sở hạ tầng có xu hướng tỷ lệ lãnh đạo nữ chưa đầy 20%. Tương tự trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ nữ lãnh đạo cũng thấp như vậy. Thu hẹp khoảng cách giới đòi hỏi một cách tiếp cận chủ động để phát triển các chiến lược lãnh đạo lâu dài trong các tổ chức chính trị và doanh nghiệp là cần thiết.

5. Cuối cùng, chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn cho tương lai và đảm bảo rằng ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các ngành nghề của tương lai - và thiết kế nền kinh tế tương lai của chúng ta. Nếu chúng ta muốn một nền kinh tế dựa trên công nghệ sẽ có sự đại diện của tất cả mọi người, thì chúng ta phải đảm bảo rằng ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu, công nghệ sinh học và hơn thế nữa, trở thành một phần cốt lõi trong cách chúng ta thiết kế các hệ thống này cho tương lai. Những nỗ lực ngược dòng của các doanh nghiệp tiếp cận sớm tới các trường trung học và đại học là rất quan trọng để giải quyết khoảng cách giới.

Để nền kinh tế toàn cầu có một nền tảng bền vững hơn, việc tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bao trùm là chìa khóa. Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, một năng lượng tươi mới, ý tưởng và khả năng lãnh đạo cũng rất quan trọng. Đây không phải là thời điểm để bắt đầu thực hiện bình đẳng giới – mà là thời điểm cần đẩy nhanh sự thay đổi, cho tất cả chúng ta.

Theo Báo cáo Khoảng cách giới 2022, Việt Nam được xếp hạng 83 trong số 146 nước được xếp hạng, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong khu vực Đông Á – Thái Bình dương, Việt Nam nằm trong top 10 nước có chỉ số khoảng cách giới tốt nhất.

 

Theo: Sadia ZahidiGiám đốc Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới 

( Minh Hương dịch từ trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới https://tinyurl.com/3bp42nby)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video