Thu hẹp bất bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch

23/10/2021
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng giới gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Bất bình đẳng giới đang trở thành “một mảng tối” trong đại dịch và để xóa bỏ điều này cần tới sự thay đổi về cả tư duy và nhận thức. Trong đó, những chính sách, chủ trương hiệu quả, phù hợp đóng vai trò là “kim chỉ nam” dẫn lối cho mọi hành động.
Phụ nữ Việt Nam khẳng định vai trò trong tuyến đầu chống dịch.

COVID-19 làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới

Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, ước tính đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng trong sóc gia đình, con cái khi các trường học bị đóng cửa. Các báo cáo nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện. Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Đại dịch COVID-19 cũng đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ ngời học tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục và làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ.

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với nam và nữ lại khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp chủ yếu do phụ nữ làm chủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý IV năm 2020 tăng so với quý IV năm 2019 (quý IV năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên của nam và nữ là 2,12% và 1,90%, trong khi số liệu tương ứng của năm 2020 là 1,75% và 3,24%). Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III năm 2020 thì nhóm phụ nữ trẻ từ 15 đến 24 tuổi và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn. Phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nam giới (19,6 % so với 8,6% ở nam giới). Đây là nhóm đối tượng lao động phần lớn không có bảo hiểm xã hội.

Đại dịch khiến gánh nặng kép của phụ nữ thêm áp lực

Điều đáng quan tâm là sau một lần dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phụ trở lại, học sinh được tới trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để cố gắng bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Tuy nhiên, trung bình phụ nữ làm thêm giờ nhiều hơn nam giới, điều đó khiến “gánh nặng kép” của họ càng trở lên áp lực.

Phụ nữ thường là những người đồng hành cùng con trong việc học online nhiều hơn là nam giới.

COVID-19 làm gián đoạn việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ lệ người mẹ sinh con tại các cơ sở y tế giảm, đồng thời, tổng số ca tử vong ở người mẹ liên quan đến thai sản được ghi nhận gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng giảm đối với một vài nhóm dân số. Tình trạng này sẽ tác động tiêu cực tới những tiến bộ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua. Việc thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế cũng như dinh dưỡng để dẫn đến nguy cơ về sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ lao động di cư. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai, mới sinh con, nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm cũng như trong quá trình di cư nhằm đối phó với dịch bệnh.

Không những vậy, áp lực đối với đội ngũ nữ nhân viên y tế tuyến đầu cũng là không hề nhỏ. Theo đánh giá của Liên hợp quốc về tác động xã hội của COVID-19 đối với Việt Nam vào năm 2020, bên cạnh công việc chuyên môn, hầu hết các nữ y , bác sỹ vẫn phải đảm nhận công việc chăm sóc gia đình, nên việc tạm thời đóng cửa trường học và sự thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc thay thế đã tác động rất lớn đến họ, đặc biệt vào thời điểm bị quá tải công việc trong cơ sở y tế. Nghiên cứu cũng cho phát hiện sức khỏe tâm thần của các nhân viên tuyến đầu đã bị ảnh hưởng nhiều do COVID-19. Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế không phải lúc nào cũng phù hợp với từng giới và mang tính nhạy cảm giới. Mặc dù nữ nhân viên y tế chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động của ngành, song cũng như nhiều nước khác, các thiết bị bảo hộ cả nhân như khẩu trang y tế, bộ quần áo liền thân vẫn được thiết kế theo kích cỡ của nam giới, do đó không vừa vặn và giảm đi tác dụng bảo vệ đối với phụ nữ trong ngành y tế…

Từ đầu tháng 2/2020, việc thực hiện giãn cách xã hội đã khiến việc học tập của hơn 21 triệu trẻ em bị ảnh hưởng và tác động đến khoảng 26% số hộ gia đình có con trong độ tuổi đi học. Nhóm trẻ mầm non bị ngắt quãng hoàn toàn trong học tập và kết nối với nhà trường, phải nghỉ học ở nhà hoặc gửi người thân chăm sóc. Mỗi hộ gia đình phải có tối thiểu 1 người lớn giảm hoặc ngừng hẳn công việc để chăm nom và các bà mẹ thường là người đảm đương công việc này hơn các ông bố. 

Trong khi đó, việc đóng cửa trường học cũng tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các giáo viên hợp đồng tại các trường học. Đặc biệt là giáo viên mầm non với phần lớn là phụ nữ. Một lực lượng lớn giáo viên dạy hợp đồng đang phải tìm các công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khỏe cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng đã gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm của các nguồn lực trong cộng đồng…đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng. Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội năm 2020 cho thấy tình trạng xung đột trong hôn nhân hầu như đại trà kể từ khi đại dịch bùng phát. Ước tính có khoảng 87,8% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực đề tâm lý, 80,9% phụ nữ chịu hành vi kiểm soát và 59% phụ nữ đã từng bị bạo lực thể chất, 25% tiết lộ từng bị bạo lực tình dục, 51% tiết lộ từng có ý định tự tử. Phần lớn phụ nữ được phỏng vấn cho biết tất cả các hình thức bạo lực diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh đại dịch.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch, việc giãn cách ở nhà để kiềm chế COVID-19 đã làm gia tăng khối lượng công việc chăm sóc không được trả công vốn đã nặng của phụ nữ như giúp con cái học tập, chăm sóc người cao tuổi, người ốm đau, nấu ăn, dọn dẹp… Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), nhìn chung, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình 12 tiếng/tuần để làm việc nhà. Trong thời gian đóng cửa trường học, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương, điều này ảnh hưởng đến chính công việc tạo ra thu nhập cho họ.

Việt Nam nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch

Trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong bối cảnh đại dịch đang tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong nước và trên toàn cầu.

Bảo đảm cả nữ và nam được hưởng quyền lợi bình đẳng trong lao động.

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời, công khai, đúng đối tượng…đã góp phần khắc phục những khó khăn trong cuộc sống nhân dân, giúp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc huy động, tạo động lực khuyến khích người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng sáng tạo nhiều cách làm nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh phúc tạp, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Trong thời gian qua, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, tỷ lệ nữ trúng cửa Hội đồng nhân dân các cấp và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

Tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 (Hội nghị cấp Bộ trưởng) diễn ra vào tháng 9/2021, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Trước những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030 và những nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu mà APEC đề ra trong Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, kết quả này mang tới niềm tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách và lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang bảo đảm quyền đối với mọi người lao động, kể cả nữ và nam. Việc áp dụng những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới cùng các nội dung mới trong năm 2021 sẽ thúc đẩy và đảm bảo hơn các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm giữa nam và nữ. Cùng với Bộ luật Lao động 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đảm bảo quyền đối với lao động nữ và nam.

Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chiến lược đã được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với thực hiện. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạp điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

dangcongsan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video