Thoát nghèo nhờ “295”

27/03/2013
Triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” (Đề án 295), nhiều hội viên phụ nữ tại TP.HCM đã được học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Quán bún riêu, hủ tíu của chị Nguyễn Lan Đài (37 tuổi) nằm ven Quốc lộ 1A (C2/11, ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) khai trương cách nay hơn một năm. Quán nhỏ với vài bộ bàn, ghế nhựa, nhưng nhờ nó, gia đình chị Đài đã vượt qua khó khăn. Cuối năm 2011, chị được Hội LHPN xã Tân Kiên giới thiệu học lớp nấu ăn do Hội phối hợp với Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng tổ chức. Sau 3 tháng, chị có chứng chỉ nghề và được Hội LHPN xã giới thiệu vay 5 triệu đồng để mở quán. “Buôn bán khá thuận lợi, hiện nay, mỗi ngày quán thu lãi hơn 100.000 đồng” - chị Lan Đài vui vẻ nói.

Tương tự, dì Lưu Thị Hai (SN 1957), ngụ ở ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh cũng được Hội LHPN xã giới thiệu đi học lớp nấu ăn. Học xong, dì cùng những học viên khác lập nhóm nấu ăn. Nhờ nấu ngon, giá cả phải chăng nên lượng khách đặt tiệc nhiều. Từ 8 thành viên ban đầu, nay nhóm nấu ăn của dì đã có 22 thành viên, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh cho biết: “Huyện đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng mở 13 lớp dạy nghề nấu ăn; trong năm 2012, Hội đã tổ chức học trang điểm, vi tính cho hơn 400 chị. Hội còn giới thiệu nhiều hội viên, phụ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Hiện trên 500 hội viên đã có việc làm”.

Các huyện khác như Củ Chi, Cần Giờ… cũng mở các lớp học nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp cho hội viên. Tại huyện Củ Chi, ngoài mô hình làm nấm linh chi thí điểm ở xã An Nhơn Tây đang giúp cho hàng chục hộ gia đình hội viên có cơ hội tăng thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng tháng, nhiều mô hình khác cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: tổ kết cườm, tổ đan lát... Để thay đổi tập quán chăn nuôi, giúp gia tăng sản lượng, Huyện Hội Củ Chi còn kết hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn chăn nuôi heo, nuôi bò sữa. Tại Cần Giờ, Hội LHPN huyện đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông, Phòng Kinh tế huyện mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm càng xanh, hàu, nghêu, trồng phong lan…

Bà Lê Thị Thu Hiền - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm, Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Từ nỗ lực của các cấp Hội đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề phù hợp với thực tế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, Thành Hội sẽ đẩy mạnh tìm nguồn vốn, thông qua các dự án để giúp phụ nữ vay vốn học nghề, tìm việc làm”.

Qua ba năm triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”, Thành Hội đã tổ chức hai lớp tập huấn cho thường trực Hội PN 24 quận/huyện, 322 phường/xã; tổ chức thực hiện 5.000 phiếu khảo sát nắm bắt số lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu học nghề và việc làm. Thành Hội phối hợp với nhiều tổ chức đào tạo: chăm sóc sức khỏe tại gia; làm tóc, nấu ăn; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức 30 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tại năm huyện ngoại thành… Tại 24 quận/huyện, đến nay đã có nhiều hình thức hoạt động hiệu quả, với trên 16.000 phụ nữ tham gia học nghề.

Theo Báo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video