Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

27/05/2019
Có mặt trên tuyến lửa ác liệt, những người con gái tuổi đôi mươi ấy không nghĩ tới sự sống, cái chết của bản thân mà chỉ mong đến ngày đất nước hòa bình, độc lập. Bà Phạm Thị An là một trong những người con gái ấy, một lòng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Phạm Thị An quê xã Quang Trung, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) xung phong đi bộ đội khi tròn 19 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, bà được biên chế về Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), chiến đấu tại cung đường mang tên Bác với nhiệm vụ cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài chi viện cho Quân giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ chính của bà là hoạt động trong lĩnh vực thông tin, đảm bảo hệ thống đường thông suốt. Có mặt trên tuyến lửa ác liệt, người con gái tuổi đôi mươi ấy không nghĩ tới sự sống, cái chết của bản thân mà chỉ mong đến ngày đất nước  hòa bình, độc lập.

CHÍCH MÁU VIẾT TÂM THƯ LÊN ĐƯỜNG

Năm 1972, bà An tròn 19 tuổi nhưng vì cấp trên yêu cầu chỉ tuyển thanh niên 17-18 tuổi nên bà nhận mình mới 18 và gắn với năm sinh 1954 từ đó. Bà An cho biết: “Sau này mới hay, vì biết bố tôi là cán bộ huyện tăng cường về làm Bí thư xã Quang Trung mới mất, anh trai du học Liên Xô, nhà chỉ có mẹ già, em thơ côi cút nên họ nói thế để tôi về. Nhưng quyết tâm ra đi thì không thể để tình riêng ngăn cản. Nhất là nhà mình “chưa có người đóng góp cho đất nước” nên càng nung nấu ý chí. Trước đó 2 năm, vào cấp 3 học được 2 tuần, tôi nghỉ học xin đi bộ đội nhưng mẹ không cho. Thấy mẹ khóc nhiều quá, tôi không dám xin... Nhưng lần này đã được đi thì không thể về khi chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Hết 3 tháng huấn luyện tại tỉnh, thấy lãnh đạo vẫn có ý muốn cho về, bà An liền chạy vào nhà bếp lấy dao chích máu tay viết ngay đơn tình nguyện. Thấy sự cương quyết của bà, lãnh đạo đành để bà hành quân vào Quảng Bình. Trước giờ giao quân về các đơn vị, bà vẫn được lãnh đạo hỏi riêng: Có muốn về quê để tổ chức sắp xếp? Một lần nữa bà lại thể hiện sự quyết tâm được ra chiến trường...

Hơn 3 năm chiến đấu ở đường Trường Sơn, bà An nhiều lần đối mặt với cái chết. Bà bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, không nghĩ đến bản thân sống chết ra sao đâu, nhưng đồng đội hy sinh thì thương và xót xa lắm! Tôi nhớ mãi lần vào chốt lẻ đi từ đường 9 Nam Lào sang 14B, trên xe có 27 người, gặp phải mìn chỉ còn 6 người sống sót. Đồng đội hy sinh được chôn tại khu vực gần ngầm Ta Lê. Người bị thương thì đưa vào trạm xá dã chiến gần đó. Lòng quặn thắt, nhưng chúng tôi không thể nán lại, vẫn phải tiếp tục di chuyển để thực hiện nhiệm vụ”.

Bà An hiện vẫn đau đáu nỗi buồn vì không tìm được hài cốt đồng đội đã chôn tại khu vực đó. Sau bao nhiêu năm, nơi đó giờ đã khác xưa nhiều quá! Trong số đồng đội hy sinh, có người bạn cùng quê với bà tên Đỗ Thị Quyên, nhiều lần bà đến khu vực đó tìm và ở các nghĩa trang tỉnh Quảng Trị thăm hỏi thông tin nhưng vẫn chưa tìm thấy...

Năm 1974, một lần được thử thách sau kết nạp Đảng cũng là kỷ niệm khó quên của bà. Trong một lần đóng chốt như nhiều lần trước đó nhưng cấp trên quán triệt, nơi đây có nhiều biệt kích nên ai canh gác phải thận trọng. Bà giãi bày: “Được phân công trực tôi mừng lắm nhưng cũng rất lo. Mừng vì được tổ chức tin tưởng giao phó nhiệm vụ nhưng lo gặp biệt kích sẽ xử lý ra sao? May mắn suốt ca trực không xảy ra bất thường”.

NHỮNG KỶ NIỆM “CÓ MỘT KHÔNG HAI”

Là bộ đội Trường Sơn, mỗi ngày bà đều đối mặt với những bất ngờ, vui, buồn đều có. Nhưng với những gì bà An đã trải qua thì quả là chuyện “độc - lạ”. Bà An kể: “Anh nuôi của trung đoàn báo cáo 3 ngày vừa qua, dù chưa đến giờ chia cơm nhưng không hiểu sao các phần ăn đều được dọn sẵn. Mọi người liền tổ chức theo dõi và thấy một đoàn khỉ rất đông đang chia cơm. Con thì cầm xoong, con cầm xẻng múc cơm, con khác lại múc canh... Chúng bắt chước các thao tác của anh nuôi khi chia cơm và các phần ăn được chia rất đều... Biết nguyên nhân, cả đơn vị ai cũng thấy lạ mà vui!”.

Trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, ngầm Ta Lê được bộ đội Trường Sơn nhắc đến rất nhiều, từ lãng mạn đến khốc liệt diễn ra trong những năm chống Mỹ cứu nước. Với bà An, ngầm Ta Lê cũng khắc ghi dấu ấn riêng khi đơn vị hành quân đến đây. Đồng chí chính ủy cử bà cùng đồng đội vào bản Lào Thơng - khu người Lào sống gần khu vực biên giới - làm công tác dân vận. Trước khi đi đồng chí chính ủy dặn dò, để tạo tình cảm thân thiện, dân mời gì cũng không được từ chối. Vậy là khi cơm dọn ra, chủ nhà giới thiệu đãi món “nhái ôm măng” dành cho khách quý, bà giật mình sợ tái mặt, nhưng vẫn tỏ ra mừng rỡ. Mang theo chiếc khăn tay Hội Phụ nữ huyện tặng ngày lên đường nhập ngũ, mỗi lần được chủ nhà gắp cho một con nhái ôm măng vào chén, bà lại giả vờ đưa lên miệng và lấy khăn lau miệng mà ghém luôn thức ăn vào đó...

Trong quá trình làm dân vận, bà An nhiều lần được thưởng thức món ăn “độc - lạ” khó quên nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm của đồng bào nước bạn Lào lẫn người dân trong nước với bộ đội Cụ Hồ và cách mạng Việt Nam.

SON SẮT LỜI THỀ THỦY CHUNG

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà An không chỉ từ biệt người thân ra đi mà còn hoãn cả đám cưới với người yêu, cũng là bộ đội ra trận trước đó 2 năm, chiến đấu ở Thành Cổ - Quảng Trị. Bà An và ông Hoàng Văn Sinh là bạn học chung lớp phổ thông và thầm thương trộm nhớ nhau, hai người lại sống cùng làng. Vì thế, khi ông đi bộ đội, họ hẹn nhau ngày đất nước thống nhất nếu còn sống trở về sẽ nên duyên chồng vợ. “Chúng tôi cùng chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị khói lửa nhưng không thể gặp mặt. Nỗi nhớ được trao gửi qua những cánh thư nhưng chỉ 2 lá mỗi năm mà thôi. Tình yêu của thế hệ chúng tôi đơn giản lắm. Vì lời hứa hẹn mà chúng tôi cùng trở về sau ngày đất nước giải phóng, chắc là có duyên có nợ với nhau đấy!” - bà An cười, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc.

Trở về từ cuộc chiến tranh, sự gian khổ, mất mát của những nữ chiến sĩ Trường Sơn như bà An không gì có thể đong đếm được. Năm 1976, ra quân về quê lấy chồng, làm kinh tế và đến năm 2000 gia đình bà vào Bình Phước sinh sống. Bà vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, tâm huyết với 16 năm làm công tác hội, đoàn thể ở ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang (Lộc Ninh). Người phụ nữ trên chiếc xe đạp đi khắp đường cùng, ngõ hẻm làm việc xã hội đã in dấu trong lòng người dân ở đây, làm đẹp hơn hình ảnh bộ đội Cụ Hồ. Giờ tuổi cao, sức yếu nên bà về nghỉ ngơi, vui vầy bên chồng, con với tâm nguyện sống ngày nào là phải vui, khỏe để con cháu an tâm học tập, công tác. Những cống hiến, công lao của bà và thế hệ cha ông thật cảm phục, trân trọng!

baobinhphuoc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video