Thanh tra nhân dân

29/12/2005
Qua hơn 10 năm tổ chức và hoạt động, các Ban thanh tra nhân dân đã được thành lập rộng khắp ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ở xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân đã khẳng định vai trò to lớn trong việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở.

Thanh tra nhân dân là hình thức tổ chức giám sát trực tiếp của nhân dân, thể hiện phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hoạt động giám sát của các Ban thanh tra nhân dân đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách, pháp luật và Quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, thực hiện công tác giám sát, các Ban thanh tra nhân dân đã góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

 

Từ thực tế hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Luật Thanh tra năm 2004 đã dành một chương riêng (Chương V) quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, trên cơ sở kế thừa và phát huy ưu điểm của Ban thanh tra nhân dân được quy định trong Pháp lệnh thanh tra năm 1990, có bổ sung các quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động Thanh tra nhân dân ở văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao. Theo đó, Thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân và Ban này được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Ban thanh tra nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 

- Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước.

 

- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

 

- Khi cần thiết, được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.

 

- Kiến nghị với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua việc giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và người lao động, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.

 

Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu, nhiệm kỳ là hai năm. Số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có từ 3 đến 9 thành viên. Trong nhiệm kỳ, thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được nhân dân tín nhiệm thì Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn (Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước) đề nghị Hội nghị nhân dân (Hội nghị công nhân, viên chức) đã bầu ra thành viên đó bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

 

Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trực tiếp chỉ đạo; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo. Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn; ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì báo cáo với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Hội nghị công nhân, viên chức.

 

Để các Ban thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể trách nhiệm của UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn (Điều 62 và Điều 63); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (Điều 66, Điều 67) trong việc tạo điều kiện hoạt động, bảo đảm quyền lợi đối với thành viên của Ban và hướng dẫn hoạt động, giải quyết kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

VŨ HOÀNG LONG (biên soạn
(Báo Nhân dân)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video