Thanh Hóa: Những tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên

19/08/2020
Xuất phát điểm đều có những hoàn cảnh riêng nhiều khó khăn, vất vả nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực, không cam chịu đói nghèo, các chị đã vươn lên, phát triển kinh tế làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc trên mảnh đất quê hương
Chị Ngân Thị Xèm, hội viên phụ nữ Bản Năng Cát xã Trí Nang (Lang Chánh)

- Thay đổi định kiến, làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc

Ở vùng quê nghèo còn nặng quan niệm có con trai nối dõi, nhưng vợ chồng chị Ngân Thị Xèm, hội viên phụ nữ Bản Năng Cát xã Trí Nang (Lang Chánh) sinh con một bề vẫn vui vẻ và quyết tâm không sinh thêm con mà phấn đấu để nuôi dạy con cho tốt.

Chị luôn nghĩ : “đời mình ít học đã vất vả nên phải đầu tư cho con cái học tập mới thoát khỏi cái nghèo, đầu tư cho con ăn học là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai”. Vì vậy, chị luôn hướng con đến những điều tốt đẹp, động viên con cố gắng học tập và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho hai học tập. Hiện nay, con gái đầu của chị là sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và tuyên truyền, con gái thứ hai học lớp 11 trường THPT - Dân tộc nội trú tỉnh, năm 2016-2017 cháu đạt Huy chương vàng toàn quốc bộ môn đẩy gậy.

Để có điều kiện đầu tư cho hai con học tập, vợ chồng chị Xèm cố gắng lao động, phát triển kinh tế đồi rừng với gần 9 sào ruộng, trồng 5 ha cây lâm nghiệp như keo, lát, xoan. Ngoài ra gia đình chị còn bán hàng ăn sáng, trồng rau sạch để phục vụ bà con trong bản … mỗi năm gia đình chị có thu nhập trên 400 triệu đồng. Với quan niệm và cách sống của vợ chồng chị Xèm, nhiều hộ gia đình trong thôn cũng từng bước thay đổi quan niệm phân biệt giới tính và chí thú làm ăn, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.

-  Hội viên vượt khó vươn lên thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Chị Nguyễn Thị Tuyết (hội viên phụ nữ chi hội thôn 3, xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa) là tấm gương sáng điển hình về vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống gia đình no đủ, hạnh phúc

Chị Tuyết chia sẻ : Sau khi xây dựng gia đình, tài sản nhà chị chỉ có mấy sào ruộng khoán, quanh năm tần tảo lao động, sản xuất, đi làm thuê, làm mướn nhưng cuộc sống luôn thiếu nghèo.

Biết chủ trương của địa phương về quy hoạch đất nông nghiệp của các hộ đi làm ăn xa, chị mạnh dạn bàn với chồng nhận thầu 8 ha đất để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp.

Bằng nguồn vốn vay và sự giúp đỡ của bạn bè, chị cùng chồng cải tạo 2,8 ha diện tích để trồng lúa kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh; đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn rừng, gà, vịt, ngan, chim bồ câu; bên cạnh đó chị còn trồng 200 cây bưởi, 1.000 cây mít Thái, na Thái, ổi, chanh, đu đủ, mỗi năm thu hoạch hàng tấn hoa quả các loại. Đất rộng, chị tận dụng trồng xen canh rau màu các loại như: khoai lang, các loại rau, đậu, lạc…

Bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, những vất vả buổi đầu lập nghiệp đã không làm chùn bước quyết tâm vươn lên làm giàu của vợ chồng chị Tuyết. Đến nay tổng thu nhập của mô hình kinh tế nhà chị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5-10 lao động, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Kinh tế ổn định, chị Tuyết tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa do Hội Phụ nữ và địa phương phát động. Gia đình chị đã giúp cho 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn mỗi hộ 20 triệu đồng; đỡ  đầu cho 1 chị bị khuyết tật có 1 con nhỏ quê Triệu Sơn về nuôi và cho cháu ăn học ; Tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, ủng hộ sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa thôn số tiền 5 triệu đồng, xây dựng quỹ mái ấm tình thương…, đóng góp 5 triệu đồng xây dựng đường điện chiếu sáng. Đến nay gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ làm kinh tế giỏi.

- Nữ chủ doanh nghiệp vượt lên hoàn cảnh

Trước đây gia đình chị Nông Thị Hương (Thôn Thị Tứ xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn) là hộ nghèo, hai vợ chồng đi học nghề may, mở cửa hàng may tại nhà, khi cơ sở may phát triển tăng thu nhập, gia đình chị đã thoát nghèo.

Năm 2012, chồng chị mất vì bị bệnh hiểm nghèo, sau một thời gian khó khăn, chị đã vượt qua đau buồn để gánh vác gia đình. Chị tiếp tục làm nghề may và đầu tư 600 triệu đồng mở thêm 2 xưởng may với diện tích 200m2, mua sắm 26 chiếc máy khâu với 26 công nhân may, mức lương cho công nhân hàng tháng là từ 3.500.000 – 6.000.000 đồng/tháng/người.

Năm 2019, chị mạnh dạn đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên Hương Huyền. Bằng các mối quan hệ kinh doanh quen nhiều năm, chị đã ký hợp đồng may đồng phục học sinh cho các trường trong huyện, tỉnh, mỗi tháng công ty cho ra 10.000 sản phẩm/tháng, tổng bình quân mỗi năm ra 100.000 sản phẩm hàng đồng phục học sinh. Đến nay, tổng doanh thu hàng năm đạt 1.2 tỷ, trừ chi phí lãi đạt từ 300-400 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Hương còn tích cực tham gia các phong trào do chính quyền, của Hội phát động, chị luôn hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện như: Ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quỹ phòng chống dịch bệnh covid- 19. Bằng ý chí, nghị lực, sự năng động trong sản xuất, kinh doanh chị Hương không những đã thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp uy tín, vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là điển hình tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2015- 2020.

 

 

Minh Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video