Thanh Hóa: Lan tỏa giá trị nhân văn từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

07/12/2021
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của hội cấp trên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 và sự chủ động, phối hợp với Đồn Biên phòng Bát Mọt, Hội LHPN xã Bát Mọt (Thường Xuân) đã xây dựng được 5 mô hình kinh tế tập thể, gồm 1 tổ hợp tác (THT) nuôi lợn nái đen bản địa sinh sản, 1 THT chăn nuôi vịt và 3 THT chăn nuôi bò.
Được trao con giống từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020, hội viên, phụ nữ thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) đã chăm sóc tốt, phát triển nhân đàn hiệu quả

Thông qua chương trình, Hội LHPN xã đã trao giống cho nhiều hộ gia đình nghèo khó để phát triển kinh tế; tổ chức nhiều đợt tặng quà, thăm khám, phát thuốc chữa bệnh cho hội viên, phụ nữ và người dân; truyền thông nâng cao kiến thức về phòng, chống mua bán người, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất... nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân vùng giáp biên. Chương trình đã thu hút được nhiều sự quan tâm, nguồn lực nhất từ trước đến nay về với địa phương, mang lại lợi ích thiết thực và chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51% (năm 2018) xuống còn 10,56% (năm 2020). Năm 2016-2021, có 124 gia đình hội viên phụ nữ được giúp đỡ, trong đó 21 phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo; tỷ lệ thu hút hội viên đạt hơn 90%.

Trung Lý là xã cửa ngõ của huyện Mường Lát, tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, qua đó, Hội LHPN huyện và các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ con giống, thành lập mô hình sinh kế THT chăn nuôi dê, vịt, bò; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc... cho hội viên, phụ nữ nơi đây biết cách tổ chức sản xuất và duy trì, nhân rộng mô hình sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các đơn vị đồng hành thông qua ký kết thực hiện chương trình, đăng ký các hoạt động hỗ trợ... đã huy động được gần 11 tỷ đồng triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương.

Hiệu quả mà chương trình mang lại đã thắp lên ngọn lửa cho vùng biên, sưởi ấm bao trái tim, hoàn cảnh khó khăn, hướng đến cuộc sống nhiều đổi thay cả trong nhận thức và hành động thực tiễn. Nhiều chương trình có sức lan tỏa sâu rộng như: “Xuân đoàn kết - Tết biên cương”, “Vầng trăng biên cương”, phiên chợ truyền thông “Phòng, chống tệ nạn xã hội và mua bán người” đã tác động sâu sắc đến nhận thức, hiểu biết của người dân về pháp luật, ý thức học tập, lao động, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình sinh kế tập thể giúp người dân tiếp cận được phương pháp, cách thức làm kinh tế hiệu quả giảm nghèo, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu; hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng biên thành lập 9 CLB “Phòng chống tệ nạn xã hội, mua bán người”, tặng 59 mái ấm tình thương, gần 10.000 suất quà, cấp thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ và nhân dân các xã biên giới...

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn góp phần thúc đẩy các địa phương vùng giáp biên thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) thông qua các mô hình “Vườn rau sạch” tại thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân); xây/sửa công trình đường giao thông liên bản tại xã Yên Khương (Lang Chánh), 96 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, láng gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã thực hiện chương trình. Các hoạt động thiết thực trên đã giúp 32/138 thôn/bản đạt chuẩn NTM (tính đến năm 2020).

Đánh giá kết quả thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020 toàn quốc được tổ chức tại Thanh Hóa cuối năm 2020, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa được TW Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP ghi nhận, đánh giá cao ở cách thức tổ chức thực hiện và kết quả đạt được. Chương trình có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành thực chất, thiết thực bám sát nhu cầu hội viên, phụ nữ biên giới và đã được chuyển hướng từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có cam kết thoát nghèo và hỗ trợ lại cho hội viên khác tương đương mức hỗ trợ được nhận ban đầu khi kinh tế phát triển.

Tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn, hướng đến đồng bào vùng biên còn nhiều khó khăn, thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai tại các xã còn lại. Năm 2021, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị đồng hành vận động nguồn lực trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất, tập huấn bồi dưỡng kiến thức...

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại các xã vùng biên, Hội LHPN tỉnh quan tâm tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: tặng vật tư y tế phòng, chống dịch cho tuyến đầu các chốt, trạm; trao quà cho hộ gia đình hội viên bị ảnh hưởng dịch bệnh; tặng các nhu yếu phẩm phòng, chống Covid-19 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn...

Văn phòng hội LHPN tỉnh (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video