Thanh Hóa: Cô gái dân tộc Thổ nỗ lực tạo sinh kế và thu nhập cho người dân

31/12/2021
Là một người con dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Lê Ngọc Linh đã ấp ủ kế hoạch tái tạo những cánh rừng, xây dựng hệ sinh thái nông sản và dược liệu theo chuỗi, tạo việc làm và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.
Nguyễn Lê Ngọc Linh về quê lập nghiệp, xây dựng mô hình Vườn rừng bản Thổ

Hóa Quỳ, huyện Như Xuân là một xã miền núi nghèo, thuộc huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Ở mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" ấy, những thanh niên trẻ chỉ mong muốn thoát ly để thoát nghèo. Tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, thu nhập tốt, là ước mơ của bao người nhưng Nguyễn Lê Ngọc Linh không cảm thấy hạnh phúc.

Ngọc Linh cho biết: Mỗi lần về quê nhận thấy, ngày càng nhiều những quả đồi trơ trụi, Linh băn khoăn nhiều lắm. Linh muốn người thân có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào dân tộc Thổ; muốn con cái của mình và những thế hệ mai sau được chạy nhảy chơi đủ trò cùng thiên nhiên, dưới những cánh rừng xanh ngút ngàn… Linh không muốn phải cúi đầu khi được hỏi "Điểm đặc trưng của dân tộc bạn là gì?".

Đó chính là động lực để cô gái 9x về quê lập nghiệp, trở thành nông dân xây dựng Vườn rừng bản Thổ. Nguyễn Lê Ngọc Linh mong muốn dự án có thể vừa tái sinh những cánh rừng, vừa đảm bảo sinh kế bền vững và nâng cao vị thế cho phụ nữ dân tộc miền núi ngay trên chính mảnh đất quê mình.

Về quê lập nghiệp

"Tôi bắt tay vào xây dựng mô hình "Vườn rừng bản Thổ" trước những lời ngăn cản của nhiều người. Thậm chí họ còn bảo tôi gàn dở vì ở đây vẫn còn khó khăn chồng chất, đất đai đã xấu, đường xá giao thương có nhiều hạn chế. Nhưng tôi luôn quyết tâm và cố gắng làm thật tốt, với suy nghĩ: Nếu ở nơi khó khăn trăm bề như thế này, mô hình của tôi vẫn thành công, thì ở bất kì nơi đâu, rừng cũng sẽ được tái sinh lại, người nông dân sẽ sống thật tốt trên mảnh đất của mình", Ngọc Linh chia sẻ.

Cô gái 9x mong muốn từ mô hình, rừng sẽ được tái sinh, người nông dân sẽ sống thật tốt trên mảnh đất của mình

Mô hình "Vườn rừng bản Thổ" được khởi đầu với 3ha, nằm giữa quả đồi 6ha, xây dựng mô phỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán, đa loài cây trồng trên cùng một diện tích canh tác. Từ đó, có thể sử dụng tối ưu năng lượng mặt trời và thu hoạch được nhiều vụ khác nhau trên cùng 1 diện tích, đa dạng nguồn thu. Từ năm 2014, mô hình hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích tăng trưởng, không các thuốc bảo vệ thực vật khác và đa dạng sinh học các loài cây bản địa.

Ngọc Linh muốn người thân có thể sống tốt, sống khỏe, quây quần bên nhau, trên chính mảnh đất của mình và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào dân tộc Thổ

Đến nay, với việc áp dụng mô hình vườn rừng, HTX bản Thổ do Ngọc Linh làm chủ, đã trồng và phủ xanh được 3ha với gần 60 loài gồm cây rừng bản địa lâu năm như dổi, trám, dẻ, bồ hòn, tai chua… cùng các loại các cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực… Ước mơ về những cánh rừng giá trị kinh tế cao của cô gái bản Thổ đang dần được hình thành từ việc tái tạo những cánh rừng, tạo điều kiện khôi phục những cây con bản địa.

Từ những mảnh đất, quả đồi trơ trọi, bản Thổ dần hồi sinh với những sắc xanh

Cô cũng đang thực hiện kế hoạch xây dựng hệ sinh thái thực phẩm với chuỗi giá trị nông sản và dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái để mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cơ thể, được canh tác minh bạch từ rừng.

Bên cạnh đó, thông qua mô hình Vườn rừng bản Thổ, Ngọc Linh cũng tạo sinh kế bền vững và cải thiện thu nhập, sức khỏe cho bà con trong xã, thúc đẩy phụ nữ miền núi vươn lên tạo dựng sự nghiệp riêng của mình, giảm thiểu sự bất bình đẳng đang tồn tại trong cộng đồng; thu hút người trẻ trở về quê lập nghiệp và tăng cường nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc giữ và tái tạo rừng; phục dựng, duy trì và phát huy giá trị văn hóa bản địa.

HTX bản Thổ bước đầu đưa ra thị trường sản phẩm chế biến là mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như: gừng, tỏi, nghệ, chùm ngây, sâm bố chính, thiên môn đông… mang lại nguồn thu đủ để vận hành hệ thống, trả lương cho đội ngũ lao động gồm: Phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số... Số nhân sự làm việc cố định cho Vườn rừng bản Thổ là 4, lao động thời vụ có những thời điểm lên tới 15 lao động.

Những sản phẩm của “Vườn rừng bản Thổ” được lựa chọn trưng bày tại Đại hội Đại biểu phụ nữ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 vào cuối tháng 4/2021

Duy trì hoạt động trong đại dịch

"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển, mở rộng thị trường của HTX bản Thổ", Ngọc Linh chia sẻ. Việc đi lại khó khăn, các đơn vị giao hàng ngừng hoạt động làm hàng hóa đình trệ, không giao tới khách hàng được, khiến doanh thu sụt giảm. Ngoài ra, các đối tác cung cấp nguyên liệu cũng không giao hàng được tới, dẫn tới các hoạt động sản xuất của HTX bị gián đoạn, đôi khi phải tạm dừng. Từ đó, doanh thu sụt giảm dẫn tới nhiều hạng mục của HTX chưa triển khai được. Để duy trì thu nhập ổn định cho lao động cố định, HTX cũng khá chật vật.

 

Nguyễn Lê Ngọc Linh tự tin đưa sản phẩm tham dự các cuộc thi khởi nghiệp

Tuy nhiên, trong đại dịch, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nâng cao sức đề kháng, sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên tăng cao đã mở ra cơ hội cho các sản phẩm của HTX. Đó cũng là động lực để Nguyễn Lê Ngọc Linh kiên định đi theo con đường phát triển bền vững, tái tạo rừng, khôi phục và phát huy những tài nguyên bản địa, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, duy trì hoạt động và phát triển ngay trong đại dịch.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video