Thái Nguyên: Cô gái Thái Nguyên thành công với cách trồng chè khác biệt

11/06/2020
Lớn lên với cây chè, cô gái Nguyễn Dương Anh (sinh năm 1985) đã đặt trọn niềm đam mê của mình vào loại nông sản gắn bó với cô từ tấm bé này.
Nguyễn Dương Anh đã đặt trọn niềm đam mê của mình vào trà

Chủ nhân của thương hiệu trà Mộc Thanh đến từ mảnh đất trà Thái Nguyên là một cô gái trẻ, nhỏ nhắn, chất phác, sinh ra ở xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Lớn lên với cây chè, cô gái Nguyễn Dương Anh (sinh năm 1985) đã đặt trọn niềm đam mê của mình vào loại nông sản gắn bó với cô từ tấm bé này.

Lúc nhỏ thì bóc hạt chè cho cha mẹ đi trồng, lớn thêm chút thì leo đồi thả hạt, cùng cha mẹ trồng cây, gieo giống, khi vào lớp một đã biết theo cha mẹ đi hái chè, nhổ cỏ, rặm cây, rồi giúp cha mẹ đun bếp sao sấy chè.

Cả tuổi thơ và thời niên thiếu của Dương Anh gắn bó với đồi chè sau những buổi đến trường, có lẽ chính vì thế mà nó như ăn sâu vào máu thịt con ngươi cô.

Đấu tranh để trồng chè không bón phân, phun thuốc

Mặc dù tốt nghiệp Cao đẳng Nội vụ nhưng theo Dương Anh, cô lại ứng với câu nói "nghề chọn người chứ người không thể chọn nghề". Bởi lẽ, khi cô ra thành phố học, có cơ hội tiếp cận với nhiều luồng tư duy, nhiều quan điểm, cách dùng, cách làm và nhiều loại chè khác nhau, nên không biết từ bao giờ đã hình thành trong cô niềm mong muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về cây chè cũng như những thứ liên quan tới chúng. Với suy nghĩ ấy, Dương Anh đã tự mày mò, tìm hiểu khá nhiều những thứ liên quan đến chè từ loại chè, cách làm, cách chăm sóc cây chè, tất nhiên cả cách thưởng thức nữa...

Và thành quả mà Dương Anh có được ngày hôm nay là đưa Mộc Thanh đến với đông đảo người tiêu dùng và cải thiện đời sống kinh tế cho bà con vùng chè Đại Từ, Thái Nguyên

Khi khởi nghiệp với Mộc Thanh, khó khăn nhất lúc ấy với cô gái trẻ chính là là đất trồng, vì vườn của gia đình cô đã bỏ hoang từ lâu nhưng gia đình không đồng ý cho cô sử dụng vì quan điểm cũ "không bón phân phun thuốc thì làm gì được thu hái". Và đây cũng là lý do dẫn tới những cuộc khủng hoảng trong gia đình, đặc biệt là bố - người phản đối gay gắt nhất khi nghe Dương Anh bày tỏ ý kiến muốn làm chè theo cách của riêng mình.

Công đoạn nhặt lá sâu thay vì dùng thuốc trừ sâu

Mãi đến năm 2015, Dương Anh cũng được quyền sử dụng toàn bộ diện tích cây chè trên 40 năm tuổi của gia đình để làm theo cách của mình. Khó khăn và chiến tranh gia đình cũng theo thế mà càng thêm căng thẳng vì những việc cô làm với vườn chè của gia đình chẳng giống ai như: sâu thì nhặt bằng tay, rải rơm, cây phân xanh, guột để hạn chế cỏ dại... cây được phục hồi thì lại không thu hoạch, mà cứ để nó um tùm, trồng thêm cây che tán...

Công đoạn thử trà sau khi sấy xong để kiểm tra chất lượng và phương pháp làm để điều chỉnh

"Công việc với vườn trà chỉ xoay quanh việc bắt sâu, nhổ cỏ và rải rơm. Tuy nhiên, trong quá trình ấy phải quan sát sự thay đổi, biến đổi của vườn, từ màu đất, độ xốp, độ mềm, rồi các loại côn trùng trong đất như kiến, giun, mối. Còn với cây phải nhìn thấy được sự thay đổi của thân, lá, búp, từ màu sắc, độ sắc bén của viền lá, độ rõ nét của gân lá, độ dày mỏng, mầu sắc trên từng bản lá, tỉ trọng từng búp, rồi thử độ chát ngọt, hay vị gì có trong búp tươi... tất cả phải tự làm, tự cảm nhận, tự rút ra bài học", Dương Anh cho biết.

Búp chè sau khi làm dập bằng cách vò

Kiên trì với cách làm của mình, cuối năm 2015 vườn chè đã thay đổi diện mạo, từ vườn còi cọc, đất chai lỳ thì giờ lá xanh tốt, đất xốp, búp to khỏe, ít sâu bệnh. Trong suốt thời gian theo đuổi dự án, bao nhiêu tiền cô tiết kiệm đã dồn cả vào cho vườn chè, mọi thứ trầy chật, tiền cứ tiêu hao mà sản phẩm thì chưa thấy đâu, nhưng cô gái nhỏ nhắn đầy nghị lực ấy vẫn không bỏ cuộc.

Dương Anh được an ủi bởi luôn có mẹ đồng hành, giúp đỡ, các công việc lớn nhỏ ở vườn là hai mẹ con trực tiếp làm

Mẹ luôn đồng hành, giúp đỡ Dương Anh các công việc lớn nhỏ ở vườn

Cực nhọc là vậy nhưng Dương Anh được an ủi bởi luôn có mẹ đồng hành, giúp đỡ, các công việc lớn nhỏ ở vườn là hai mẹ con trực tiếp làm... Bên cạnh đó, cô còn được sự cố vấn của một người thầy đã luôn giúp đỡ, trao đổi với cô những kiến thức về cây chè.

Có lẽ, sẽ khó mà hình dung được hết cơ cực những ngày đầu khởi nghiệp của Dương Anh. Trồng chè theo tư duy mới không chỉ là công việc chân tay, mà nó còn là sự đấu tranh tư tưởng thay đổi thói quen cũ và vững tin vào bản thân trước những dị nghị, nghi hoặc của người thân, của hàng xóm và của bạn bè, bởi việc chăm sóc, canh tác trên vườn hoàn toàn lạ và ngược với lối canh tác truyền thống tại địa phương.

Sau những năm tháng vất vả, đến năm 2016, Dương Anh đã cho ra sản phẩm đầu tiên là trà lá già - thứ trà mà ở đó chẳng ai dùng thì Dương Anh nghiên cứu làm hoàn thiện một sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường lúc đó. Cô tâm huyết đặt tên sản phẩm là Mộc Thanh (mộc mạc, thanh mát, ngọt nhẹ nhàng).

Cô tâm huyết đặt tên sản phẩm là Mộc Thanh (mộc mạc, thanh mát, ngọt nhẹ nhàng)

Tất cả các sản phẩm cô làm ra đều không giống với trà mà bà con làm tại địa phương. Thay vì cứ trà nước phải thật xanh, chát, đắng, ngọt... thì Dương Anh làm sản phẩm trà lên men. Cách làm trà khác từ phương pháp làm đến hình thái, mầu sắc đến hương vị, sắc nước của sản phẩm. Cho tới nay, thương hiệu Mộc Thanh đã hoàn thiện được 11 sản phẩm, trong đó các loại trà mộc như: Xuân Đán (trà xanh/trà mạn), Cao Khản (Hồng Trà), Mộc Thanh (trà lá già), Mai Kảo (trà  Ô long), trà hương gừng, hương bưởi, hương nhài, hương sen, hương sói, lam chiều, trà túi lọc…

Nhiều thực khách đã chọn đây là điểm dừng chân của mình để thưởng trà

Tất cả các sản phẩm Mộc Thanh đều khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm cùng dòng có bán trên thị trường, bởi Mộc Thanh là sản phẩm làm ra từ trà lá già, mang hương vị của sự mộc mạc gần gũi, thân quen, vị thanh mát dịu nhẹ. Ví dụ như trà Lam Chiều - một sản phẩm được ra đời bằng phương pháp chế biến trà Ô long từ nguyên liệu của vườn dễ uống, nhiều vị ngọt có mùi khói rơm rạ, gợi nhớ kí ức tuổi thơ với những cánh đồng lúa thơm ngát mùi đất mùi rơm, mùi khói rạ ban chiều.

Không gian trà Mộc Thanh

Cũng như sự mộc mạc của chủ nhân thương hiệu Mộc Thanh, cô gái khẳng định mình không giỏi việc kinh doanh hay quảng cáo sản phẩm, mà để tự sản phẩm khẳng định chính nó trong lòng khách hàng. Chính vì vậy, sản phẩm đi tới tay người tiêu dùng đa số là do sự giới thiệu của khách hàng sau khi dùng sản phẩm. 

Hơn nữa, các sản phẩm Dương Anh làm khá kén khách, nên khi khách hàng dùng quen sẽ gắn bó lâu dài và được chọn làm quà biếu, tặng người thân, đối tác của chính khách hàng. Hiện nay, Mộc Thanh đang là một điểm lựa chọn của bạn bè du lịch nước ngoài khi tới Việt Nam để thưởng thức và làm quà biếu.

Khi được hỏi về bí quyết làm ra loại trà đặc biệt như vậy, Dương Anh cho biết, bản thân cô không có bí quyết gì cả, "chỉ là khi bạn tích lũy đủ chất đủ lượng trong mình thì hãy tự tin làm, bắt tay vào việc thật, mọi thứ sẽ được trả lời bằng chính việc bạn làm", cô nói.

Dương Anh cũng mong muốn có thể hỗ trợ bà con từ thay đổi nhận thức đến thay đổi cách làm, để quy mô trồng chè và làm ra sản phẩm được nhân rộng, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con vùng chè Đại Từ, Thái Nguyên.

 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video