Thái Lan: Xác lập bình đẳng giới trong Hiến pháp

02/12/2013
Bình đẳng giới (BĐG) ở Thái Lan được thể hiện trong các quy định của Hiến pháp, pháp luật, chính sách và cơ chế giám sát thực thi. Hiến pháp Thái Lan xác lập các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, đây được coi là một sự bảo đảm pháp lý cao nhất và quan trọng nhất cho việc thúc đẩy BĐG. Thái Lan thường có sự điều chỉnh về hệ thống luật pháp cũng như có một hệ thống cơ chế giám sát thực thi và bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

Bộ luật Gia đình của Thái đã tạo ra mức độ bảo vệ cao hơn đối với phụ nữ trong gia đình qua những quy định về chế độ đa thê; quyền bình đẳng về pháp lý đối với việc thực thi nghĩa vụ cha mẹ ở gia đình... Pháp luật Thái Lan không phân biệt nam nữ trong việc thừa kế. Đây là một bước tiến khá lớn so với một số nước châu Á. Pháp luật hình sự của Thái Lan không ngừng được bổ sung và hoàn thiện với quy định chặt chẽ ngăn ngừa và trừng trị những hành vi bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em dựa trên sự phân biệt về giới, việc buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, một điểm hạn chế trong việc chưa bảo đảm bình đẳng thực tế, đó là mặc dù trên lý thuyết, phụ nữ Thái có quyền bình đẳng về địa vị pháp lý trong việc sở hữu về đất đai như nam giới, tuy nhiên luật cũng chỉ cho phép người chủ của gia đình mới có quyền sở hữu đất đai và Bộ Nội vụ chỉ đăng ký những người đàn ông là chủ gia đình.

Bên cạnh hệ thống luật pháp, hệ thống chính sách của Thái về BĐG cũng có nhiều thành tựu. Chẳng hạn ngay từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Chính sách, chiến lược và Kế hoạch Phát triển Phụ nữ giai đoạn 1992-2011. Hàng loạt chương trình quốc gia cũng đã được triển khai trên phạm vi quy mô sâu rộng ở cấp quốc gia. Các chương trình và kế hoạch này không chỉ để giải quyết căn nguyên sâu xa của các vấn đề như bất bình đẳng về cơ hội hay sự hiện hữu của những môi trường và điều kiện kỳ thị, phân biệt đối với phụ nữ, mà còn nhằm đảm bảo rằng phụ nữ cũng cần phải được trao quyền thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo và vào quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt trong việc hoạch định những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

 Cơ  chế giám sát thực thi và bảo vệ, thúc đẩy BĐG ở Thái Lan bao gồm Thanh tra của Quốc hội, Ủy ban Nhân quyền quốc gia, Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người. Trong đó, vai trò của Ủy ban Nhân quyền quốc gia là hết sức quan trọng và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và thúc đẩy BĐG. Ủy ban có trách nhiệm chủ yếu là tham vấn và hoạch định các chính sách có liên quan nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được nêu trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật và các công ước quốc tế về quyền con người mà Thái Lan đã gia nhập. Ủy ban hàng năm cũng nhận hàng nghìn vụ khiếu kiện về vi phạm quyền con người, xử lý được hàng trăm vụ, rất nhiều trong số đó có liên quan đến sự xâm hại quyền của phụ nữ và BĐG.

Bên cạnh các cơ chế giám sát nói trên, cũng giống như nhiều quốc gia khác, ở Thái Lan còn có các tổ chức xã hội dân sự với vai trò quan trọng trong việc vận động chính sách và phản biện xã hội đối với các dự án luật, chương trình hoặc kế hoạch hành động trực tiếp liên quan đến việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ và BĐG.

Văn phòng Ủy ban quốc gia VSTBPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video