Thái Bình: Hội thảo phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

01/04/2008
Sáng ngày 27-3 tại Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã diễn ra hội thảo Phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE). Tham gia hội thảo có đại diện ban chỉ đạo phòng chống BBPNTE tỉnh; lãnh đạo UBND, HĐND, Hội LHPN các cấp và đại diện tổ chức Oxfam Quebec...

Theo số liệu báo cáo của ngành Công an, hiện tỉnh Thái Bình có 3.114 phụ nữ sang làm ăn và lấy chồng người Trung Quốc bằng nhiều hình thức như bị mua chuộc, rủ rê, dụ dỗ, lừa gạt hoặc tự ý trốn sang Trung Quốc lấy chồng, phần lớn là phụ nữ đã quá lứa lỡ thì, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa có việc làm, trình độ văn hoá thấp, ít hiểu biết. Qua đấu tranh phòng chống tội phạm của ngành công an từ năm 2004 - 2007 đã phát hiện 21 vụ, 227 phụ nữ bị buôn bán. Đến nay có 170 phụ nữ đem theo 95 trẻ em lai trở về quê sinh sống, trong số chị em trở về đời sống gặp nhiều khó khăn chiếm 87%, 13% có mức sống trung bình.

Thực hiện chương trình hành động phòng chống tội phạm BBPNTE giai đoạn 2005 – 2010 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Ban chỉ đạo chương trình phòng chống BBPNTE tỉnh, đồng thời được sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam quebec, Hội LHPN đã phối hợp cùng các ngành các cấp tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đạt nhiều kết quả. Tại hội thảo, sau khi nghe Hội LHPN tỉnh báo cáo kết quả hoạt động công tác phòng chống BBPNTE, đại diện các ngành Công an, Toà án, Bộ đội Biên phòng, các huyện, xã đã có báo cáo tham luận nhằm làm rõ hơn vấn đề. Các ý kiến tham luận đều bày tỏ những bức xúc trước tệ nạn, sự đồng cảm chia sẻ đối với nạn nhân, qua đó trao đổi tìm tiếng nói chung trong thực hiện các biện pháp phối hợp phòng chống tệ nạn như thống nhất lấy phòng ngừa là chính, tăng cường truyền thông về cơ sở, phát huy vai trò cấp uỷ, chính quyền, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác phòng chống BBPNTE.

Phát biểu kết luận, đồng chí Hà Thị Lãm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, đánh giá kết quả, chỉ ra những hạn chế và các biện pháp các cấp Hội Phụ nữ, các ngành các cấp trong tỉnh cần thực hiện trong thời gian tới. Sau khi thống nhất nhận định ba vấn đề: tội phạm BBPNTE trên địa bàn còn diễn biến phức tạp do các điều kiện, kẽ hở cho loại tội phạm này lợi dụng, phát triển còn nhiều; nạn nhân là phụ nữ, trẻ em không chỉ là nỗi đau bất hạnh, xót xa của riêng giới phụ nữ mà của toàn xã hội; phòng chống tội phạm BBPNTE thuộc về trách nhiệm của các cấp, các ngành và tất cả mọi người, song trách nhiệm quan trọng là của các cấp hội phụ nữ… đồng chí Phó Chủ tịch nêu 6 vấn đề đề nghị các cấp các ngành cần thực hiện, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, kiến thức, bản lĩnh và sức khoẻ, đời sống cho phụ nữ, trẻ em; chỉ ra các đối tượng có nguy cơ để tập trung phòng ngừa; đổi mới công tác phòng chống BBPNTE như cần phát hiện sớm, tố giác nhanh, kịp thời, tạo điều kiện cho những người trở về không bị kỳ thị, xa lánh; quan tâm vùng trọng tâm trọng điểm; chú trọng dùng văn phong khi nói về phụ nữ và các đối tượng cần cảm thông, chia sẻ, tránh gây mặc cảm…

Hà Dung - Báo Thái Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video