Tạo việc làm cho 300.000 lao động nông thôn mỗi năm

17/04/2006
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành nghề nông thôn trong công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đến năm 2010, trong đó đặt mục tiêu mỗi năm thu hút thêm 300.000 lao động nông thôn vào các hoạt động ngành nghề.

Mục tiêu của Đề án nhằm góp phần phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

Theo Đề án, đến năm 2010, mức tăng trưởng bình quân của các ngành nghề nông thôn sẽ đạt trên 15%/năm và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 20-25%/năm.

Theo kế hoạch, cả nước sẽ tập trung phát triển các ngành nghề có ưu thế về tiêu thụ sản phẩm và sử dụng lao động như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến và bảo quản nông lâm sản, cơ khí nhỏ ở nông thôn và phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất.

Việc phát triển ngành nghề nông thôn sẽ dựa trên điều kiện thực tế và truyền thống từng vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển các mặt hàng chuyên môn cao như sơn mài, gỗ, thêu ren, kim khí, phát triển các làng nghề kết hợp với du lịch. Vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc Bộ khôi phục các nghề truyền thống tại những vùng có điều kiện tiếp cận thị trường tốt và xây dựng kế hoạch cung cấp nguyên vật liệu, chế biến, phân phối cho các khu vực khác.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống như chế tác đá, gỗ, dệt, gốm sứ, mây tre, cói và kim khí. Vùng Tây Nguyên đầu tư chế biến qui mô vừa và nhỏ với công nghệ và thiết bị hiện đại phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của các dân tộc.

Vùng Đông Nam Bộ phát triển các sản phẩm thủ công mang tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phát triển các sản phẩm mới. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chế biến nông-thủy sản, phát triển nghề cói, mây tre và gốm sứ và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản./. 

(TTXVN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video