Tăng số lượng và chất lượng nữ đại biểu dân cử khóa 2021-2026

09/02/2021
Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có chuyển biến tích cực, song tỷ lệ nữ đại biểu dân cử còn thấp, chưa phản ánh thực chất tiềm năng của phụ nữ. Đó là nhận định của TS. Vương Thị Hanh - Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Cepew
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV

Chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng

Trong Quốc hội (1), tỷ lệ nữ đại biểu các khóa XI, khóa XII, Khóa XIII, khóa XIV lần lượt là 27,3%, 25,76%, 24,4% và 26,8%; đặc biệt Chủ tịch QH khóa XIV là nữ.

Trong Hội đồng nhân dân các cấp (2), tỷ lệ nữ tăng 1-2% mỗi khóa (cấp tỉnh), đặc biệt cấp huyện và xã tăng từ 2-4%. Ở nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ hội đồng nhân dân (HĐND) là 26,72% (cấp tỉnh); 27,50% (cấp huyện); 26,59% (cấp xã).

Chất lượng nữ đại biểu dân cử được nâng lên. Nhiều nữ đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND có năng lực, bản lĩnh, có tiếng nói ảnh hưởng trong việc ra quyết định, được cử tri tin tưởng.

Nữ ứng cử gắn nhiều cơ cấu, không đạt tiêu chuẩn đại biểu, đa số không trúng cử

Cả 3 khóa quốc hội (XII, XIII, XIV) (2), tỷ lệ nữ không trúng cử cao, lần lượt là 56,20%; 57,93% và 60,65%. Tỷ lệ nam không trúng cử thấp hơn nhiều, là 37,54%; 35,60% và 31,76%.

Nữ ứng cử phải gắn với nhiều cơ cấu như trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc tôn giáo nên khó giới thiệu đươc những đại diện nữ tiêu biểu. Nhiều nữ ứng cử chỉ là lãnh đạo phòng, ban của tổ chức Đảng, chính quyền, bệnh viện, lãnh đạo, giáo viên trường trung học phổ thông, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể (ở cấp tinh và huyện, xã).

Mặc dù có phẩm chất tốt, song trình độ và vị trí công việc thấp không đủ tiêu chuẩn đại biểu là nguyên nhân nhiều nữ không trúng cử. Có 205/338 nữ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV không trúng cử.

Nữ đại biểu cơ cấu chiếm tỷ lệ cao (so với nam), tiếng nói ảnh hưởng còn hạn chế

Ở cả 3 khóa (3), cơ cấu trẻ tuổi của nữ đại biểu là 37,0%, 35,2%, 35,9%; cơ cấu đó của nam chỉ là: 5,19%; 4,7%; 6,3%. Cơ cấu dân tộc tôn giáo của nữ đại biểu là 34,64%; 21,3%, 30,7% và của nam là 12,29%; 13,7%, 12,26%. Đại biểu nữ ngoài Đảng có tỷ lệ 16,53%, 16,4%, 9%; còn tỷ lệ đó của nam là 6,0%, 5,80%, 2,40%.

Ở vị trí công việc thấp, đại biểu nữ cơ cấu ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin tầm vĩ mô, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều nên tiếng nói ảnh hưởng của nhiều nữ đại biểu trẻ tuổi bị hạn chế. Vì vậy, chỉ có 9/47 nữ đại biểu trẻ khóa XII tái cử khóa XIII và 12/43 nữ đại biểu trẻ khóa XIII tái cử khóa XIV.

Thiếu công bằng trong lập danh sách bầu cử, dẫn đến tỷ lệ nữ trúng cử thấp

Nhiều đơn vị bầu cử sắp xếp danh sách nam, nữ ứng cử không ngang nhau về trình độ, vị thế công tác nên nữ không trúng cử. Đơn cử, một đơn vị BC (có 3 nam, 2 nữ ứng cử). Cả 2 nữ không trúng cử, do vị tri, chức danh của nữ thấp hơn nam.

Có tới 54/184 (29,34%) đơn vị bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV sắp xếp nữ có trình độ và vị thế công việc thấp hơn nam nên nhiều đại biểu không trúng cử. Tình trạng nêu trên cũng được phát hiện trong bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV

Giải pháp nhằm tăng số lượng và nâng chất lượng nữ đại biểu dân cử

Để nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử cần đảm bảo bình đẳng và công bằng trong quy trình bầu cử, cụ thể:

Một, Dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu trên quan điểm giới. Theo luật định (4), Ủy ban thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND các cấp dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu dân cử. Đây là khâu quan trọng, chi phối quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đúng tiêu chuẩn và đủ số lượng, vì vậy:

- Nên bỏ quy định "đại biểu nữ gắn nhiều cơ cấu" nhằm nâng chất lượng đại biểu. Có thể khẳng định rằng, như nam giới, ở lĩnh vực nào cũng có những phụ nữ đủ tài và đức, đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu dân cử.

- Cần tăng tỷ lệ nữ ứng cử tới 40% và tỷ lệ nữ đại biểu đạt trên 30%.

Hai, vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu trong giới thiệu người ứng cử. Giữ vai trò quyết định nhân sự, cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát huy dân chủ, phối hợp với Hội phụ nữ, Công đoàn… sẽ giới thiệu được những phụ nữ tiêu biểu, ứng cử đại biểu dân cử. Do đó, tránh được bình đẳng cơ cấu hình thức.

Ba, đảm bảo công bằng trong lập danh sách liên danh bầu cử. Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp bảo đảm lập danh sách nam, nữ ứng cử ở các đơn vị bầu cử trên cơ sở "tương đương về trình độ, vị trí chức danh" tạo sự cạnh tranh công bằng trong bầu cử, sẽ tăng được tỷ lệ nữ trúng cử. 

Bốn, đẩy mạnh giám sát bầu cử. Tổ chức bầu cử các cấp giám sát thực hiện bình đẳng công bằng trong các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử, chốt danh sách chính thức người ứng cử, đặc biệt lập danh sách người ứng cử ở các đơn vị bầu cử, để tăng số lượng và chất lượng nữ đại biểu dân cử.

Năm, tăng cường tuyên truyên về bầu cử. Đẩy mạnh truyền thông, giúp cử tri hiểu về quyền bầu cử, ứng cử và nguyên tắc bầu cử. Tạo điều kiện để cử tri tham gia giới thiệu người úng cử, nghiên cứu tiểu sử và tiếp xúc với người ứng cử. Vận động mỗi cử tri một lá phiếu. Tránh đi bầu hộ.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video