Tăng cường công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em

04/08/2021
Đó là nội dung xuyên suốt trong Công văn số 6001/ĐCT – CSLP vừa được Trung ương Hội LHPN Việt Nam gửi tới các cấp Hội, nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống và xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Tăng cường quan tâm, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em (ảnh minh họa)

Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã có công văn gửi tới Hội LHPN các tỉnh, thành phố "chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em".

Công văn nêu, thời gian qua, tình hình các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận, tạo băn khoăn, lo lắng đối với sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Năm 2019, Trung ương Hội đã có công văn số 2852/ĐCT-TG-CSLP ngày 04/4/2019 về việc định hướng thông tin trước một số vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của phụ nữ, trẻ em nhắm thống nhất quan điểm, định hướng dư luận và sự tham gia của các cấp Hội liên quan đến các vụ việc.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương trực tiếp thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ bé gái là nạn nhân của xâm hại tình dục ở tỉnh Phú Thọ (ảnh Hà Khê)

"Để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành phố tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của TW Hội trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đồng thời thực hiện nghiêm túc trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em theo hướng phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ và phối hợp", trích nội dung công văn. 

Trong công văn, Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị các cấp Hội nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ sau:

Cụ thể, đối với Hội LHPN cấp tỉnh, thành phố:

Tiếp tục chỉ đạo, chủ động phát hiện, tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại địa bàn, báo cáo nhanh về Trung ương Hội'.

Tùy tính chất vụ việc và tình hình thực tế, chỉ đạo các cấp Hội lựa chọn hình thức lên tiếng khác nhau như: Lên tiếng về vụ việc trên Báo Phụ nữ Việt Nam hoặc cơ quan báo chí địa phương; trực tiếp trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, truyền hình; gián tiếp gửi công văn tới các cơ quan báo chí thể hiện quan điểm, thái độ của tổ chức Hội đối với các vụ việc.

Tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng cung cấp thông qua việc ký kết các Chương trình phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), ký kết với Hội Luật gia nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ngành/tổ chức trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Nội dung báo cáo bao gồm: nguồn nhận thông tin, thông tin cơ bản của nạn nhân bị bạo lực/xâm hại (tên, tuổi, địa chỉ liên hệ); nội dung vụ việc; tình trạng hiện tại của nạn nhân, những hành động hỗ trợ, can thiệp đã được thực hiện trước, trong và sau khi Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp nhận được thông tin.

Nghiên cứu chỉ đạo thành lập/nhân rộng mô hình "Tổ công tác tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội hoặc "Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em" phù hợp với điều kiện, đặc thù địa phương.

Chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các cấp Hội tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em theo Quyết định 1452/QĐ-ĐCT ngày 17/5/2018 của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam về việc ban hành Quy định và hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Đối với Hội LHPN cấp quận, huyện, thị xã:

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân.

Nắm bắt kịp thời, lựa chọn vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để giám sát quá trình giải quyết vụ việc và việc thực thi pháp luật về bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi xảy ra vụ việc để tiếp cận, nắm thông tin và theo dõi tiến trình giải quyết vụ việc. Trong trường hợp sau khi Hội có công văn chuyển đơn, công văn kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền chưa trả lời thì Hội LHPN các cấp cần có công văn để đôn đốc, kiến nghị các cơ quan đó hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan đó giải quyết.

Tăng cường kết nối, phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các chuyên gia trong lĩnh vực luật và giới để tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bảo đảm các vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan liên quan, gia đình, nhà trường và xã hội trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực cho phụ nữ và trẻ em.

Hướng dẫn Hội Phụ nữ cơ sở trong trường hợp cần thiết, tư vấn/chuyển tuyến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới về Ngôi nhà Bình Yên của TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn và quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, cụ thể:

+ Tổng đài Hỗ trợ phụ nữ (Ngôi nhà Bình Yên - TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam): 1900 96 96 80

+ Ngôi nhà Bình Yên tại TP Hà Nội: số 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

+ Ngôi nhà Bình Yên tại TP Cần Thơ: số 09 đường A6, khu vực 11, Phường Phú Hưng, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Đối với Hội LHPN cấp xã/phường:

Chủ động phát hiện, tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại địa bàn; thông tin thu nhận được từ sinh hoạt chi, tổ, Hội; phản ánh của cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân; kịp thời báo cáo Hội cấp trên về thông tin nhận được.

Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân kịp thời phát hiện, tố giác và lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (Ủy ban nhân dân, ngành Công an, ngành lao động - thương binh và xã hội) nơi xảy ra vụ việc để tiếp cận, nắm thông tin và theo dõi vụ việc, kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại theo quy định pháp luật.

Trường hợp cần trao đổi thêm thông tin, đề nghị liên hệ với Ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Toàn văn công văn

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video