Tăng cơ hội kết nối giữa phụ nữ hai nước Việt Nam - Nam Phi

22/06/2021
Sáng 22/6, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có buổi tiếp xã giao với Đại sứ Nam Phi Mpetjane Kgaogelo Lekgor, qua đó cả hai bên cùng bày tỏ mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy, thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ.
Chủ tịch Hà Thị Nga tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Nam Phi Mpetjane Kgaogelo Lekgor

Tại buổi làm việc, Đại sứ Nam Phi cho biết, ông đã đọc nhiều thông tin và vô cùng ấn tượng về vai trò của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay, trong đó đặc biệt là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” cùng những thành tựu mà Hội đã đạt được. Ông Mpetjane Kgaogelo Lekgor đánh giá rất cao bởi Hội LHPN Việt Nam đã thu hút, tập hợp được khoảng 19 triệu hội viên. Ông cho biết, ở Nam Phi cũng có tổ chức Hội Phụ nữ nhưng chưa có tổ chức nào quá 2 triệu thành viên. Đây là lý do ông bày tỏ mong muốn được nghe Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ về cách thức lãnh đạo, quản lý, triển khai hoạt động để thu hút được nhiều hội viên tham gia tổ chức.

Bên cạnh đó, ông Mpetjane Kgaogelo Lekgor cũng hy vọng, Hội Phụ nữ Nam Phi sẽ có những cơ hội để giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm với Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Chiến lược tổ chức Hội; Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng hành cùng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao giá trị, vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong chính trị; Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa phụ nữ hai nước chặt chẽ hơn nữa.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ với Đại sứ Nam Phi về cách thức quản lý và phương thức thu hút hội viên tham gia tổ chức Hội

Trân trọng cám ơn những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cùa ngài đại sứ Nam Phi dành cho phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Hà Thị Nga đã chia sẻ về các hoạt động lớn của Hội thời gian qua. Trong đó, nổi bật là tháng 5/2021, Việt Nam đã tổ chức rất thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, và thật đáng vui mừng vì tỷ lệ phụ nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa này đã đạt 30,26%, đạt chỉ tiêu đặt ra, đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đạt tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội trên 30%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ Đại biểu HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ trước (cấp tỉnh: 29%; cấp huyện: 29,08%; cấp xã: 28,98%). Những con số này đã thể hiện rõ sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới; đồng thời cũng khẳng định sự tiến bộ, vai trò ngày càng tăng của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và làm tốt vai trò, nhiệm vụ của tổ chức trong việc phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự nữ tham gia ứng cử các cơ quan dân cử, đóng góp quan trọng vào kết quả tỷ lệ nữ đạt được.

Chủ tịch Hội cũng thông tin, hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đang tiến hành chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến vào tháng 3/2022).  

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề quản lý và thu hút hội viên tham gia tổ chức, Chủ tịch Hội Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Việt Nam hiện đang có 4 cấp, từ TW đến cơ sở và các chi tổ hội, các Hội Phụ nữ trực thuộc Công an, Quân đội, các tổ chức thành viên Hội Nữ trí thức, Hội Nữ doanh nhân. Chính vì vậy, các hoạt động, phong trào của Hội đều được triển khai có hệ thống xuyên suốt, chặt chẽ. TW Hội tổ chức Đại hội 5 năm/lần nhằm đánh giá kết quả của nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Chủ tịch Hội đặc biệt nhấn mạnh sự quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với tổ chức Hội trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo Chủ tịch Hội, quá trình tập hợp, thu hút hội viên, điều quan trọng nhất là phải làm sao để phụ nữ thấy được lợi ích khi là thành viên của Hội như: được tham gia sinh hoạt trong một tổ chức của hệ thống chính trị; được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế hộ gia đình, được tạo cơ hội vay vốn từ các nguồn ưu đãi; được thông tin, tuyên truyền để nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện hoạt động ở địa phương, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ. Ngoài ra, Hội còn có Tổ chức tài chính vi mô (TYM) được hỗ trợ ngân sách từ tổ chức tài chính các nước và nguồn ngân sách Nhà nước nhằm phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Hà Thị Nga và Đại sứ Nam Phi Mpetjane Kgaogelo Lekgor

Bày tỏ ngưỡng mộ khi biết Nam Phi có tỷ lệ phụ nữ tham chính rất cao (theo UN Women, đến tháng 1/2020, Nam Phi xếp thứ 15 các nước có tỷ lệ nữ trong Quốc hội cao (48,3%), cấp bộ trưởng 14/29 là phụ nữ), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới thông qua sự kết nối, hỗ trợ của Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để các Hội Phụ nữ Nam Phi nói riêng, Châu Phi nói chung và Hội LHPN Việt Nam được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác của hai bên vì mục tiêu hòa bình và bình đẳng giới.

 

Về hoạt động Ngày Phụ nữ Nam Phi (9/8) được ngài Đại sứ đề cập tới, Chủ tịch Hà Thị Nga cũng gợi ý một số hoạt động như: Tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim về phụ nữ Nam Phi ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (như đã từng phối hợp thực hiện với ĐSQ Venezuela, Thuỵ Điển, Nhật Bản…); Tổ chức toạ đàm (trực tiếp hoặc trực tuyến tùy theo tình hình dịch Covid-19) giữa ĐSQ và Hội LHPN Việt Nam về phụ nữ hai nước…


Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video