Tấm lòng nữ nghị sĩ New Zealand với nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

16/03/2005
Bị "sốc" trước những gì được chứng kiến trong chuyến thăm Làng trẻ Hữu nghị tháng1/2005, bà Sue Kedgley -Nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Sức khoẻ của Đảng Xanh, New Zealand vừa có bài viết trên tờ New Zealand Herald mang tựa đề "Chất độc da cam: những hậu quả kinh hoàng".

"Chúng ta mắc nợ các nạn nhân da cam Việt Nam". Sue Kedgley đã chia xẻ những cảm xúc đau xót, bàng hoàng cuả mình cùng lời kêu gọi ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà Sue Kedgley.

Tháng trước, tôi đã đến thăm Làng Trẻ em Hữu nghị. Những gì tôi đã chứng kiến thật bi thảm. Nhiều trẻ em bị dị tật nặng nề. Một số em bị mù và điếc. Một số khác có đầu to dị thường, tứ chi co quắp hoặc không có chân tay. Và tất cả đều do một thủ phạm gây ra: chất độc da cam.

Sống tại làng này có khoảng 100 trẻ em mà cha mẹ hoặc ông bà các em đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hầu hết các em đều phải chịu đựng những khuyết tật hình thể hoặc trí óc. Có những trường hợp 5 anh chị em trong gia đình cùng bị dị tật và hậu quả của chất độc này để lại có thể di truyền trong 3 thế hệ. Ước tính, khoảng nửa triệu trẻ em Việt Nam sinh ra đã bị dị dạng liên quan tới dioxin mà nguyên nhân là do cha mẹ các em bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Khi chúng tôi đi khắp ngôi làng ấy và chứng kiến sự tàn phá sức khoẻ và những dị tật mà các em phải chịu đựng, tôi lại nhớ tới lập trường của Chính phủ New Zealand rằng, bằng cớ về những hậu quả liên thế hệ của chất độc da cam chưa được chứng minh. Vâng, những thực tế phơi bày ở đây đã chứng minh lập luận này chỉ là sự nguỵ biện, vốn thường xuyên được nhắc lại trong suốt cuộc điều trần của uỷ ban sức khoẻ hồi năm ngoái.

Hầu hết các quan chức tham gia cuộc điều trần đều dựa vào lập luận của Mỹ và các công ty hoá chất rằng, không đủ bằng chứng cho thấy chất độc da cam đã gây ra những hậu quả nặng nề về sức khoẻ trong nhiều thế hệ liên tiếp.

Qua thời gian, người ta đã miễn cưỡng thừa nhận chất độc da cam là tác nhân gây ra chứng nứt đốt sống, hở hàm ếch, ung thư tuyến thượng thận... Thế nhưng, lập trường chính thức vẫn là không có bằng chứng thuyết phục chất độc da cam đã gây ra những tác hại sức khoẻ liên thế hệ trên diện rộng.

Cho dù người Việt Nam đã nỗ lực hết sức để bỏ lại phía sau cuộc chiến tranh vừa qua nhưng sự hiện diện của hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam luôn nhắc nhở hàng ngày về dấu tích kinh hoàng của cuộc chiến tranh đó và những tác hại sức khoẻ lâu dài của các chất độc hoá học như chất độc da cam.

Đó cũng là một gánh nặng lớn của Chính phủ Việt Nam. Họ không có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho các phí tổn y tế cũng như các chi phí điều trị hồi phục cho hàng trăm nghìn nạn nhân.

Thật ngạc nhiên là các chính phủ kế tiếp của Mỹ đã không làm gì để giúp đỡ hoặc đền bù cho những người này. Đã rải 40 triệu lít chất độc da cam xuống Việt Nam, ảnh hưởng tới 3,8 triệu người Việt Nam nhưng người Mỹ hoàn toàn không làm gì để giúp đỡ các nạn nhân. Chính phủ Mỹ liên tục bác bỏ bất kỳ trách nhiệm pháp lý hay đạo đức.

Trong một cuộc dàn xếp ngoài toà hồi năm 1984, Dow Chemical, Monsanto và các công ty hoá chất khác đã chi trả 180 triệu USD cho các cựu binh nước ngoài đã chiến đấu trong chiến tranh nước ngoài. Tuy nhiên, họ đã không bồi thường cho hàng trăm nghìn người Việt Nam, những người mà cuộc sống đang bị tàn phá bởi các sản phẩm chết người của họ.

Đó là lý do mà năm ngoái, một Ủy ban đại diện cho các nạn nhân da cam Việt Nam đã đệ đơn kiện các công ty sản xuất chất độc da cam.

New Zealand có nghĩa vụ đạo lý phải giúp đỡ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi sự thừa nhận chính thức và ủng hộ các nạn nhân da cam, ủng hộ cho vụ kiện của họ.

Mặc dù New Zealand không trực tiếp tham gia rải chất độc da cam nhưng chúng ta đã chiến đấu bên cạnh quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh. Vì thế, chúng ta cũng có trách nhiệm giúp đỡ giải quyết những vấn đề mà chúng ta đã góp tay gây ra này.

Chúng ta mắc nợ các nạn nhân da cam, trong đó có những trẻ em dị dạng mà tôi đã gặp để giúp họ nhận được bồi thường và trợ giúp mà họ đang rất cần.

Theo VietNamNet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video