Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015:Băn khoăn với xử lý hình sự trẻ phạm tội

02/11/2016
Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử lý hình sự với trẻ em phạm tội và tước quyền sống chung với gia đình của các em.

Đề xuất không xử lý hình sự trẻ 3 hành vi phạm tội

Theo tờ trình của Chính phủ, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội. Cụ thể, trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự cả với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 3 tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhìn trong tổng thể chính sách xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì quy định này chưa thể hiện nhất quán chủ trương nhân đạo hóa trong chính sách hình sự đối với đối tượng này. Vì vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản này theo hướng người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi “chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự” về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tinh thần quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên thảo luận ở tổ mới đây, các đại biểu có những ý kiến trái chiều về đề xuất “không xử lý hình sự” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với 3 hành vi là “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (điều 134), “hiếp dâm” (điều 139), “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (điều 169). Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, việc quy định phạm vi xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cần được xem xét, nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định. Thực tế có những tổ chức khủng bố đã nhắm vào đối tượng trẻ em không phải chịu trách nhiệm hình sự để huấn luyện, sử dụng vào mục đích khủng bố.

Các đại biểu: Bùi Huyền Mai, Đào Quang Hải, Nguyễn Hữu Chính (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội), chung nhận định: Xu hướng phạm tội của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngày càng tăng và tính chất nghiêm trọng ngày càng nhiều. Qua đó, cần đảm bảo sự công bằng trong xử lý tội phạm, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cũng như hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Không nên tước quyền sống với cha mẹ của trẻ

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), thực tế, việc thi hành án hình sự với trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ em chủ yếu phạm tội gây rối, cố ý gây thương tích, gây mất trật tự xã hội, đây là những biểu hiện của tuổi mới lớn. Khi bị xử lý hình sự, các em phải vào trại giáo dưỡng. Ông Hiển cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy, sau khi thi hành án với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cách ly các em ra khỏi môi trường xã hội, xa gia đình bằng cách đưa vào trường giáo dưỡng chỉ là đường cùng. Cần hạn chế tối đa việc mở rộng trách nhiệm hình sự với trẻ em, chỉ nên áp dụng xử lý hình sự với trẻ ở những tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, có nhiều biện pháp khác để xử lý hành vi của trẻ, không nhất thiết phải tước quyền của trẻ được sống với gia đình, bố mẹ”.

Ông Trương Minh Hoàng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đồng tình với việc không xử lý hình sự đối với 3 hành vi nêu trên. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng băn khoăn về việc nêu những danh mục hành vi phạm tội, khi phát sinh những hành vi phạm tội mới, trong luật chưa có sẽ khó xử lý. Đặc biệt, đại biểu này cũng kiến nghị nêu rõ trách nhiệm, vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và gia đình của trẻ phạm tội.

Trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành “không xử lý hình sự” hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ luật Hình sự từ trước đến nay của Nhà nước ta.

Về phạm vi các tội mà trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự “với một số tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng”, đã liệt kê tại khoản 2 Điều 12, như tội giết người, sản xuất trái phép chất ma túy, buôn bán người, khủng bố…Phần lớn ý kiến cho rằng, quy định này cũng nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo PVH - Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video