Sửa đổi Bộ luật Lao động để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

12/12/2016
Những vấn đề mà dư luận rất quan tâm như độ tuổi nghỉ hưu của lao động, thời gian làm việc, phân biệt đối xử giới tính, vấn đề quấy rối tình dục. . .được các đại biểu bàn luận sôi nổi tại Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức.

Tăng tuổi nghỉ hưu cần lộ trình hợp lý

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LPNP Việt Nam, cho rằng: Bộ luật Lao động giữ vị trí quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực quan hệ lao động mang tính kinh tế-xã hội sâu rộng, tác động tới tất cả thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, người lao động. Để giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm căn cứ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động theo hướng bình đẳng giới và bảo đảm quyền, lợi ích của lao động nữ, buổi Hội thảo tập trung xin ý kiến của các đại biểu theo các nội dung cụ thể như: Tiền lương; giờ làm việc; tuổi nghỉ hưu; các tiêu chuẩn lao động. . .

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu thẳng thắn góp ý, đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến những vấn đề mà dư luận rất quan tâm như độ tuổi nghỉ hưu, thời gian làm việc, phân biệt đối xử giới tính, vấn đề quấy rối tình dục. . .

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng: Hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt đang tăng lên, trong khi quỹ bảo hiểm xã hội đang bị áp lực lớn, vì thế cơ quan quản lý đang xem xét nâng độ tuổi làm việc lên 62 đối với nam và 58 đối với nữ. “Tôi tán thành việc tăng tuổi làm việc đối với lao động nhưng cần bảo đảm có lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho người lao động trong môi trường có tính đặc thù, cần được nghỉ hưu sớm hơn”, ông Trường nói.

Đối với độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, theo ông Trường cần nghiên cứu kỹ đặc thù của những ngành mà lao động nữ gặp khó khăn khi bước qua tuổi 55. Ông Trường ví dụ, cô giáo mầm non mà 58 tuổi vẫn đứng lớp, vẫn phải múa hát để dạy các cháu thì không phù hợp bằng các cô giáo trẻ.

Chuyên gia về giới Trần Thị Vân Anh cũng ủng hộ việc tăng tuổi lao động (tuổi nghỉ hưu) đối với lao động thêm 2 năm với nam và 3 năm với nữ. “Hội LHPN có lẽ nên ủng hộ phương án này, song cần nhấn mạnh sự cần thiết đưa ra lộ trình thực hiện mục tiêu tuổi hưu như nhau giữa nam và nữ”, bà Vân Anh nói.

Luật nên “lượng hóa” việc quấy rối tình dục

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ban biên tập, Tổ soạn thảo đề án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cần chú ý về những thuật ngữ không phân biệt đối xử về giới tính trong sử dụng lao động. Bà Hòa nhấn mạnh việc bảo vệ quyền của người mẹ không được coi là hành vi phân biệt đối xử giới tính. Theo bà Hòa, hiện nay nhiều tổ chức sử dụng lao động hay có thỏa thuận miệng (giao ước) khi tuyển dụng với lao động nữ là khi vào đây làm trong vòng thời gian bao nhiêu năm sẽ không được kết hôn và sinh con. Bộ luật Lao động sửa đổi tới đây cần bổ sung làm sao để loại bỏ những trường hợp ra điều kiện như vậy.

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề quấy rối tình dục người lao động. Theo bà Hòa, cần làm rõ khái niệm quấy rối tình dục.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, bà Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc tổ soạn thảo đưa vấn đề quấy rối tình dục vào Dự thảo luật lần này là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp và rất khó. “Khó nhất là định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục ?  Định nghĩa này cần bao hàm toàn bộ hoặc gần như toàn bộ những hành vi quấy rối, đồng thời cần lượng hóa được hành vi này”, chuyên gia Trần Thị Vân Anh nói.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế các quy định về quấy rối tình dục sẽ chỉ có giá trị riêng trên giấy nếu như nạn nhân không lên tiếng. Vì thế, cần làm rõ quyền lợi và các nguyên tắc của việc thưa kiện.

Ông Hà Duy Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐTB&XH, Tổ trưởng tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, đánh giá cao những ý kiến góp ý, phân tích của các đại biểu đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong buổi Hội thảo và cam kết sẽ quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, quyền lợi của lao động nữ trong quá trình biên soạn, bổ sung Bộ luật này.

"Việc thảo luận về các vấn đề liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo ra sự đồng bộ các chính sách, chương trình và đặc biệt là để phát huy vai trò, tiềm năng của lao động nữ, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới” .

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà


"Luật pháp hoặc chính sách luôn có tính hai mặt, nếu nghiêng về người sử dụng lao động thì sẽ thiệt cho người lao động, nếu nghiêng quá nhiều về người lao động vượt ngưỡng chịu đựng của người sử dụng lao động sẽ đặt họ vào tình thế phải tính toán kỹ khi tuyển lao động nữ, vô hình chung chúng ta hạn chế cơ hội có việc làm của phụ nữ” .

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường




Theo: Hà Khê, Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video