Sóc Trăng: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

03/03/2022
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Đối tượng xâm hại đa số là người thân quen, có những trẻ tuổi đời còn rất nhỏ (5, 6 tuổi). Riêng tình trạng bạo lực với phụ nữ (tinh thần, thể xác, kinh tế,…) cũng gia tăng.
Hội LHPN tỉnh tổ chức các buổi phiên tòa giả định cho hội viên, phụ nữ, học sinh trên địa bàn tỉnh

Nguyên nhân chính dẫn đến việc phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại là do thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu kỹ năng tự vệ, đời sống kinh tế khó khăn, gia đình không trọn vẹn, nạn nhân và gia đình chưa dám lên tiếng để tố giác do sợ trả thù, sợ bị cười chê Xuất phát từ thực trạng trên, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi, diễn đàn trẻ em, diễn đàn phòng chống bạo lực gia đình, phiên tòa giả định, diễn tiểu phẩm, phát tờ rơi… cho trên 5.000 hội viên, phụ nữ, học sinh các trường THCS, THPT, trường dân tộc nội trú, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, cán bộ phụ trách công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em của 11 huyện, thị xã, thành phố. Địa bàn mà Hội lựa chọn tổ chức là nơi có xảy ra vụ việc, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Các nội dung được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng cụ thể như: kỹ năng, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là bạo lực học đường, xâm hại tình dục; kỹ năng sống, kiến thức tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản; giới thiệu các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại; các hình thức xử phạt hành vi vi phạm Luật phòng chống BLGĐ, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em…

Hội LHPN tỉnh trực tiếp hỗ trợ kinh phí thành lập các CLB “Mẹ và con gái – cha và con trai”, CLB “Tiền hôn nhân trong nữ thanh niên”, “Gia đình hạnh phúc” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực, xâm hại PNTE. Duy trì hoạt động của Trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình trực thuộc Hội LHPN tỉnh thực hiện tư vấn những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình trong và ngoài nước cho công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành; tư vấn, can thiệp các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; liên kết các cơ quan, tổ chức... hỗ trợ, can thiệp các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Bình quân hàng năm, Trung tâm tiếp nhận, tư vấn trên 30 đơn thư, vụ việc liên quan đến các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình; tham gia giám hộ trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Phối hợp Trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc TP. Hồ Chí Minh đưa 8 trẻ em bị xâm hại tình dục đến Nhà Nhịp cầu hạnh phúc để học tập, sinh sống. Bên cạnh đó, Hội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Lễ ra mắt mô hình phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em

Hội đã thành lập đường dây nóng số 0377.672.444 từ đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ, can thiệp, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý kịp thời cho hội viên phụ nữ toàn tỉnh về bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; in ấn 9.000 tờ bướm tuyên truyền đường dây nóng gửi cho hội viên, phụ nữ. Từ đó, hội viên, phụ nữ cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong việc lên tiếng, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực, nhất là bạo lực về thể chất, bạo lực về tình dục. Đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận, tư vấn hơn 20 vụ bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong và ngoài giờ hành chính.

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ cho học sinh, sinh viên và hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, những điểm nóng về an ninh trật tự. Đồng thời, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và cộng đồng cùng chung tay chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Nguyễn Thị Diện

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video