Sẽ có chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc

25/02/2009
Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ LĐ -TB&XH cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp mất việc làm do suy giảm kinh tế. Theo đó, lao động mất việc làm có thể được vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề, tìm việc làm mới hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, các báo cáo về tình hình mất việc làm hiện nay mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp, còn hơn 300 nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh gia đình... cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. Tình hình lao động mà một số tỉnh, thành phố báo cáo có vẻ sáng sủa hơn so với thực tế. Do vậy, Bộ LĐ -TB&XH cần quản lý rà lại số lượng lao động bị mất việc, thiếu việc và dự báo trước số lao động bị mất việc để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Theo kiến nghị của một số đại diện tại các khu công nghiệp, Bộ LĐ -TB&XH cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong giai đoạn chuyển tiếp giữa trợ cấp thôi việc, mất việc và bảo hiểm thất nghiệp. Luật Bảo hiểm xã hội quy định từ tháng 1.2009, cả người lao động và doanh nghiệp đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc. Như thế, sẽ có nhiều công nhân làm việc dưới 12 tháng nếu có đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng không đủ thời gian để hưởng trợ cấp thất nghiệp và không được nhận trợ cấp thôi việc, mất việc. Như vậy, phải sang năm 2010, nếu họ làm việc liên tục thì mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, đối với những công nhân làm việc nhiều nơi, khi cộng dồn thời gian lại dù được trên 24 tháng nhưng theo quy định cũng không được tính trợ cấp thất nghiệp. Đó là điều bất hợp lý. Trong khi đó, lao động ký hợp đồng thời vụ một năm trong các công ty ở các khu chế xuất, khu công nghiệp chiếm đến 50%.

Một số ý kiến cho rằng cần có chế độ, chính sách hỗ trợ những công nhân mất việc do tình hình khó khăn chung hiện nay. Ví dụ như trợ cấp hoặc miễn giảm học phí cho con, em họ hoặc giải quyết cho vay vốn. Trước mắt, có thể đào tạo nghề phụ miễn phí cho công nhân tạm thời giải quyết việc làm trong thời gian chờ việc mới. Chính phủ có chính sách hỗ trợ "cứu" doanh nghiệp thì cũng phải có chính sách hỗ trợ công nhân để họ yên tâm làm việc.

Trước tình hình lao động bị mất việc có thể gia tăng trong năm 2009, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ -TB&XH khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách hỗ trợ đối với lao động trong doanh nghiệp mất việc làm do suy giảm kinh tế.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18.2.2009 về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ lao động mất việc làm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ -TB&XH chịu trách nhiệm nắm chắc số lượng lao động mất việc làm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý số lượng doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả chính sách này.

Đại diện Bộ LĐ -TB&XH cho biết, cơ quan này cũng dự kiến xây dựng đề án về các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc, lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ. Theo kế hoạch, đối với trường hợp người lao động bị mất việc do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, Bộ LĐ -TB&XH sẽ lập phương án về xử lý lao động theo hướng bộ phận nào có thể tiếp tục hoạt động thì cho hoạt động; số lao động không sắp xếp được việc làm thì phân loại để chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ cho người lao động. Đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, quyền lợi người lao động sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Nguồn chi trả được lấy từ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu không đủ sẽ được thanh toán theo tỉ lệ nợ tương ứng. Với doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng khó khăn nên phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm đối với người lao động bị cắt giảm theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí lấy từ chi phí và quỹ trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp từ 200-500 lao động phải cắt giảm trên 10% và doanh nghiệp trên 500 lao động phải cắt giảm ít nhất 5%, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, nguồn kinh phí của doanh nghiệp không đủ để trả trợ cấp thôi việc, mất việc thì được Nhà nước hỗ trợ nhưng tối đa bình quân mỗi người không quá 3 tháng lương. Theo tính toán của Bộ LĐ -TB&XH, trong năm 2009, với số người mất việc dự kiến khoảng 150.000, Nhà nước có thể sẽ hỗ trợ khoảng 900 tỷ đồng.

Ngân Giang

Theo chỉ đạo của Chính phủ, những doanh nghiệp khó khăn, không có khả năng thanh toán được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất ưu đãi để trả lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm cũng sẽ được Chính phủ bổ sung vốn để chương trình này giúp cho các lao động mất việc vay vốn để tự tạo công ăn việc làm cho bản thân. Người mất việc làm sẽ được vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để học nghề tìm việc làm mới hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo doisongphapluat.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video