Sáng mãi truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang”

08/03/2020
Hình ảnh người phụ nữ “Ba đảm đang” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và đi vào thi ca, nhạc họa như những dấu ấn không bao giờ phai nhạt. Từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến núi rừng xa xôi, trên ruộng đồng, trong xưởng máy, ngoài trận địa… đâu đâu cũng có phụ nữ “Ba đảm đang”.
Hình ảnh người phụ nữ “Ba đảm đang” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Tinh thần “Ba đảm đang” sáng mãi

Nhắc về mẹ của mình - bà Lê Thị Thái, nguyên Hội trưởng Phụ nữ huyện Đan Phượng-người đã cùng Ban Chấp hành Huyện hội khởi xướng Phong trào “Ba đảm đang”, chị Phan Thị Lời, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội không khỏi xúc động. Ngày đó, nhà chị Lời ở Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm hiện nay), bố công tác ở Huyện ủy Đan Phượng, mẹ mang theo em nhỏ hơn 1 tuổi đi gây dựng phong trào cách nhà hơn 10km, ở nhà còn 4 chị em cùng ông nội đã cao tuổi. Mỗi tuần mẹ về lại động viên chị em chăm chỉ làm việc, học tập, chăm sóc nhau, hướng dẫn chị em trồng cây ngắn ngày khắc phục thiếu lương thực, chăn nuôi để vừa có thực phẩm ăn, vừa bán cho HTX phục vụ nuôi quân. “Nhiều lúc chúng tôi thấy mẹ khóc thầm, vì lo các con ở nhà không có bố mẹ trông nom khi chứng kiến mấy chị em chúng tôi đứa lên 5, lên 7 bơi lặn trên sông Nhuệ, rồi máy bay ném bom miền Bắc, rồi đói ăn… Sau những giây phút thoảng qua như vậy, mẹ tôi lại vượt lên cứng cỏi, tổ chức, sắp xếp gia đình hướng dẫn con cái dạy bảo nhau làm việc, học tập để mẹ hoàn thành tốt nhiệm vụ của người Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng và sau này là Trưởng ban tổ chức Hội LHPN tỉnh Hà Tây (trước đây)”, chị Lời kể. Bản thân được tôi luyện trong môi trường gia đình và xã hội đang sục sôi khí thế cách mạng, với những con người tự giác, tự lực, tự nguyện học tập, sản xuất, chiến đấu như vậy, sau lại được học tập đầy đủ trong nhà trường, chị Phan Thị Lời đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhận nhiệm vụ công tác ở một trường ở huyện Chương Mỹ. Sau 17 năm đứng trên bục giảng, chị Lời chuyển làm công tác cán bộ Hội LHPN TP Hà Nội. 18 năm công tác ở vị trí cán bộ hội, chị đã cùng các cấp hội thực hiện nhiều phong trào, hoạt động hiệu quả, như: Phong trào ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo; giải quyết đơn thư, giải quyết các điểm nóng, chỉ đạo, điều hành xây dựng tổ nhóm tiết kiệm; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo, dân tộc… Hiện chị Lời đã nghỉ hưu, nhưng chị vẫn luôn đồng hành cùng các hội viên phụ nữ Thủ đô tham mưu với cấp ủy, phối hợp cùng các lực lượng xã hội để Phong trào “Ba đảm đang” tiếp tục được phát huy.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng (thứ 4, 5 từ trái sang) với các đại biểu dự hội thảo

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong Hội thảo “Sáng mãi truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang” tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 55 năm Phong trào “Ba đảm đang” nhấn mạnh, 55 năm qua, tinh thần “Ba đảm đang” luôn được thắp sáng trong phong trào phụ nữ, là động lực để phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vùng miền tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay đòi hỏi tinh thần “Ba đảm đang” cần được tiếp cận và hiểu thêm với nội hàm mới phù hợp với thời kỳ mới. Đó là phụ nữ ngày nay đảm đang trong sản xuất phải gắn với tri thức, tinh thần sáng tạo và ý thức cao về trách nhiệm tham gia sản xuất sạch, bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng gắn với phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường; đảm đang trong gia đình đòi hỏi phụ nữ có thông tin, kỹ năng để tổ chức cuộc sống gia đình, tạo dựng mối quan hệ thương yêu, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ; đảm đang trong chiến đấu gắn với hình ảnh của hàng vạn phụ nữ trong LLVT đang miệt mài ngày đêm, không quản ngại đặc thù nghề nghiệp vươn lên, là những người vợ, người mẹ làm chỗ dựa vững chắc cho chồng, con yên tâm hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc.

“Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm”

55 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về sự khởi đầu và lan tỏa Phong trào “Ba đảm đang” như vẫn nguyên vẹn trong câu chuyện kể của bà Lê Thị Quýnh, tuổi 88, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Thời kỳ đó, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, được Ban Thường vụ Huyện ủy đồng ý và chỉ đạo, ngày 8-3-1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đan Phượng phát động Phong trào “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Gánh vác thêm phần việc của chồng, con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng, con, anh em có thể yên tâm sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); khuyến khích chồng, con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước; tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập bộ đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần nữ thanh niên tham gia. Ba nội dung đảm nhiệm đã lôi cuốn được các tầng lớp phụ nữ thực hiện bằng cả tinh thần nhiệt huyết và sự quyết tâm cao, thể hiện trong chiến đấu, lao động sản xuất và cuộc sống hằng ngày, vì vậy đã đạt được kết quả hết sức to lớn đáng trân trọng và tự hào. Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ huyện Đan Phượng lan tỏa ra nhiều nơi, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động thành cao trào rộng lớn khắp miền Bắc với 3 nội dung thu gọn: Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình để chồng, con đi chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và SSCĐ khi cần thiết. Sau này được Bác Hồ quan tâm, đổi tên thành Phong trào “Ba đảm đang”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên bà Tạ Thị Ái Liên và nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Tây (cũ)

Bà Lê Thị Quýnh kể: “Các cấp hội phụ nữ trong huyện thi đua sản xuất, chăn nuôi, chi viện cho tiền tuyến; các hội viên phụ nữ rất quyết tâm, các xã đã đề ra khẩu hiệu: “Ruộng đồng là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”; vừa sản xuất, vừa SSCĐ, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thi đua thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã nông nghiệp... Những nỗ lực, cống hiến của phụ nữ Đan Phượng từ trong chiến tranh, khói lửa góp phần tạo nên truyền thống tốt đẹp, dấu ấn có giá trị lịch sử khi vinh dự được cả nước biết đến nơi khởi nguồn của “người gái đảm”. Truyền thống đó đã và luôn được các thế hệ phụ nữ ngày nay tiếp nối phát huy. Chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đan Phượng cho biết: "Tinh thần cách mạng của ngọn đuốc truyền thống phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” dẫn lối cho mọi hoạt động công tác của hội và các nhiệm vụ chính trị của địa phương ở những giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Năm 2015, huyện Đan Phượng là địa phương đầu tiên của TP Hà Nội về đích nông thôn mới (NTM) nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân ngày một nâng cao với thu nhập bình quân 50-62 triệu đồng/người/năm. Hiện huyện đã có 9 xã, như: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung… đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu cuối năm 2020, 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu”.

Không gian hưởng ứng “Áo dài-di sản văn hóa Việt Nam” của Hội LHPN TP Hà Nội trong Hội thảo kỷ niệm 55 năm phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”. 

hanoimoi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video