Sản phẩm handmade từ niềm đam mê cháy bỏng với những sợi len

29/06/2020
Với đam mê cháy bỏng từ những sợi len, chị Uông Nhật Đài, hội viên phụ nữ phường Cầu Kho, quận 1, TP Hồ Chí Minh đã quyết định từ bỏ công việc quản lý cửa hàng thực phẩm Vissan để khởi nghiệp với sản phẩm handmade từ len.
Gian hàng trưng bày sản phẩm từ len của chị Đài

Và với bản lĩnh, sự sáng tạo, đam mê... đã giúp chị thành công, hiện nay chị là chủ cửa hàng Eagle Handmade tại Phường Cầu Kho, quận 1 và chuẩn bị mở thêm một cửa hàng tại quận Phú Nhuận với tên gọi Kim & Cọ.

Chị Đài chia sẻ, khi quyết định từ bỏ vị trí quản lý cửa hàng Vissan chị cũng lo lắng lắm bởi từ bỏ công việc với thu nhập đang ổn định để bước chân vào một lĩnh vực mới mẻ, chị sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và không dám chắc có vượt qua được không.

Bắt đầu khởi nghiệp, các sản phẩm như búp bê, thú nhồi bông, túi xách, nón - mũ, quần áo... tất cả đều được chị cần mẫn làm ra từ những sợi len nhỏ bé, với giá bán dao động từ 50.000 đồng đến 2.000.000 đồng, phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các đối tượng  khách hàng khác nhau.

Chị Đài cho biết, đan móc len cũng giống như làm một ngành nghề thiết kế, muốn tạo ra được sản phẩm đẹp đòi hỏi người thợ phải có tính sáng tạo xây dựng được những bản thiết kế chi tiết và đẹp. Chị đã tự học và sáng tạo ra nhiều kiểu mẫu đan móc len khác nhau, mỗi kiểu đều tạo ra những điểm nhấn và dấu ấn riêng. Giờ đây, các sản phẩm của chị không chỉ dừng lại ở những búp bê xinh xắn, những thú bông ngộ nghĩnh, những bộ quần áo xinh xinh,… mà còn làm ra các sản phẩm trang trí nhà cửa, trang trí nội thất cho các khu nghỉ dưỡng.

Lớp dạy đan len móc len miễn phí của chị Đài cho phụ nữ phường Cầu Kho

Ngày đầu, sản phẩm của chị được bán tại nhà qua giới thiệu của người thân, bạn bè và những khách hàng đã từng mua sản phẩm của chị, sau đó tiếp tục mở rộng bán sản phẩm ra thị trường qua online, các buổi trưng bày sản phẩm tại các hội nghị. Đến nay, đã có nhiều khách hàng, trong đó có cả khách du lịch quốc tế biết đến và tìm mua sản phẩm của chị làm quà kỷ niệm khi đến Việt Nam. Chị cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ bạn bè ở nước ngoài.

Chị tâm sự: Đan móc là một ngành nghề truyền thống của nước ta, tuy nhiên với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành nghề này đang dần bị “lãng quên”, mai một. Chính vì vậy, chị mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào bảo tổn, phát triển ngành nghề truyền thống này.

Việc tỉ mỉ làm ra các sản phẩm bằng len không chỉ giúp tăng thu nhập mà nó còn tăng trí nhớ, dẻo khớp tay, giảm stress rất nhiều. Chị đã mở lớp dạy đan móc len miễn phí cho hội viên phụ nữ phường Cầu Kho và các em sinh viên, thanh thiếu nhi tại mái ấm Diệu Giác, quận 2. Lớp học thu hút hàng trăm người, giúp nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn phường có thêm nghề, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Không chỉ đam mê kinh doanh, chị Đài còn say mê làm thiện nguyện.  Chị và các học viên của lớp làm ra các sản phẩm handmade len, trao tặng 180 sản phẩm nón, búp bê len… cho các em bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu, hơn 200 sản phẩm cho các em bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 trong Chương trình điều ước trăng tròn lần thứ 5 và 100 sản phẩm cho các em thiếu nhi tại mái ấm Diệu Giác, Quận 2.

Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn chị em làm các sản phẩm túi đi chợ thay thế túi ni lông, bán và giới thiệu sản phẩm túi trong Ngày hội Phụ nữ vì Cộng đồng năm 2019 để góp phần cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tuyên truyền phong trào “Chống rác thải nhựa” cho người dân trên địa bàn phường. Trong các buổi sinh hoạt của Hội phụ nữ như ngày 8/3; 28/6; 20/10, chị tích cực tham gia và giới thiệu về ngành nghề của chị, lan tỏa đam mê của chị đến với hội viên phụ nữ.

Trương Thị Hương – Hội LHPN TP Hồ Chí Minh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video