Quyết tâm đẩy lùi tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em

15/01/2008
Với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của tỉnh, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp nâng cao nhận thức, hành vi của cộng đồng về phòng chống BBPNTE.

* Định hướng rõ ràng.

Xác định công tác phòng chống BBPNTE là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra mục tiêu thực hiện cụ thể. Đó là: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về nhận thức và hành động trong các cấp Hội và toàn xã hội về tội phạm BBPNTE và các vấn đề bức xúc liên quan đến PNTE nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản tình trạng BBPNTE.


Theo đó, trong giai đoạn 2005-2007: tập trung nâng cao nhận thức cho phụ nữ và cộng đồng hiểu rõ về âm mưu, thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn BBPNTE.
Năm 2008-2010: tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa; tổ chức giúp đỡ PNTE bị buôn bán trở về, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng.


Từ đó, Hội đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Điều tra, khảo sát nắm tình hình trẻ em lang thang, phụ nữ có nguy cơ cao, tình hình tội phạm BBPNTE, mại dâm, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đối tượng từ gia đình đến cộng đồng. Hỗ trợ, vốn, tạo việc làm, giúp chị em tái hoà nhập cộng đồng...

 

* Kết quả thực hiện


Công tác tuyên truyền đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2007, toàn tỉnh có 679 ngàn gia đình đăng ký cam kết thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01 “Giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH”, tăng 8% so với năm 2006. Các cấp Hội đã tuyên truyền cho trên 15 ngàn tuyên truyền viên về kiến thức những vấn đề có liên quan đến trẻ em gái; tổ chức được 15 hội thi và diễn đàn về phòng chống BBPNTE ở các xã trọng điểm và cấp tỉnh thu hút 1.500 tuyên truyền viên và hàng ngàn người dân tham gia. Phát 3.000 cuốn hỏi đáp di cư an toàn - cẩm nang tư vấn cho phụ nữ đi xuất khẩu lao động - xuống tận cơ sở.


Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kinh tế, việc làm cho chị em. Đã có 1.487 chị được tham gia các lớp dạy nghề về thêu ren nghệ thuật, mây giang xiên, mây tre đan, móc hộp xuất khẩu. 255 chị hoàn lương được hỗ trợ, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng. Trong đó có 121 chị là đối tượng bị buôn bán trở về, đặc biệt có 3 chị ở xã Nghi Lộc đem theo con.

 

Bên cạnh đó, mô hình CLB cũng được các cấp Hội quan tâm, phát triển. Đến tháng 6/2007, Hội đã có 485 CLB ở 428 xã với nhiều loại hình như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB nếp sống văn hoá, CLB phòng chống TNXH, CLB phòng chống ma túy, giúp đỡ gái mại dâm hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng, CLB phụ nữ giảm nghèo...


Mô hình phòng chống BBPNTE với các hình thức hoạt động phong phú như sinh hoạt tổ nhóm, tổ chức diễn đàn, hội thảo hội thi... đã thu hút đông đảo các đối tượng tham gia. Các thành viên tham gia CLB còn được giúp đỡ về vốn, được hỗ trợ để khai sinh cho con, con cái được đi học đúng tuổi... Mô hình giúp đối tượng gái mại dâm hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng đã xoá bỏ tự ti, đem lại cuộc sống bình thường cho nhiều phụ nữ hoàn lương. 47 chị thuộc đối tượng hoàn lương và có nguy cơ cao được vay vốn làm ăn, buôn bán. Nhiều chị được giới thiệu việc làm, được tư vấn phát triển kinh tế gia đình... Mô hình CLB phụ nữ giảm nghèo sau 3 năm thực hiện đã giúp đỡ 18.000/40.40.015 hộ thoát nghèo, trong đó 10 ngàn hộ thoát nghèo bền vững. CLB thực sự là ngôi nhà chung, là chỗ dựa về tinh thần cho chị em.

 

* Nhiệm vụ còn đó


Tuy đã đạt được những thành quả đáng kể, nhưng thực trạng tệ nạn xã hội diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp đòi hỏi Hội LHPN các cấp phải có những biện pháp thiết thực. Nhận thức được vấn đề đó, Hội LHPN tỉnh đề đề ra các nhiệm vụ cho thời gian tới một cách trọng tâm, trọng điểm. Đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cơ sở bằng nhiều hình thức: tập huấn, sinh hoạt Hội, tổ chức các cuộc thi, diễn đàn...; Đánh giá, rút nghiệm và nhân rộng các mô hình; Hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ trẻ em gái để ngăn ngừa nguy cơ bị buôn bán.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video