Quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình hiện ra sao?

20/04/2021
Ngày 19/4, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức giới thiệu cuốn sách chuyên khảo Kết quả điều tra "Quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình". Dự án do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện trong 2 năm (2019-2020) trên phạm vi 7 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng kinh tế của cả nước.
Ảnh minh họa

Để nghiên cứu, thu thập số liệu, phân tích các khía cạnh liên quan đến quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình, 7 thành viên nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra hơn 2.100 phụ nữ và nam giới với kết quả hơn 160 bảng thông tin số liệu từ 2.030 phiếu đảm bảo chất lượng. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ đã được nhóm nghiên cứu thu thập chân thực, tổng hợp đầy đủ, khoa học và chính xác nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình, một cơ hội tốt nhìn nhận cụ thể, toàn diện hơn về vấn đề phụ nữ và giới tại Việt Nam, làm căn cứ để Hội LHPN Việt Nam xây dựng các kế hoạch can thiệp, hỗ trợ phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. 

Tiến sĩ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - trình bày kết quả Sách chuyên khảo

Nhận thức về quyền ra quyết định của phụ nữ trong gia đình hiện nay đã có những chuyển biến tích cực. Đa phần người tham gia khảo sát nắm được các nội dung cơ bản về quyền, trách nhiệm trong quan hệ vợ chồng, sự cần thiết phải chia sẻ trách nhiệm gia đình giữa vợ và chồng, quyền tự quyết cá nhân của người vợ, quyền về thương lượng và xây dựng các mối quan hệ hài hoà trong gia đình. Cùng với đó là hiểu biết về chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong gia đình. 

Tuy vậy, nhận thức về quyền quyết định của phụ nữ trong thực hiện các chức năng gia đình vẫn còn bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Các quan điểm còn chịu tác động bởi tư tưởng định kiến giới như vợ quyết định những công việc nhỏ, chồng quyết định các công việc lớn, quan trọng. Người chồng cũng quyết định các khoản chi tiêu lớn, quan trọng, người vợ quyết định các khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày. Định kiến giới còn thể hiện rõ trong nhận thức khi cho rằng nội trợ là lĩnh vực do phụ nữ đảm nhận và quyết định, hay việc không ủng hộ phụ nữ từ chối nhu cầu sinh lý của chồng. Quyền tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ, quyền tự quyết của phụ nữ với các công việc cá nhân chưa được đồng tình ở mức cao, thậm chí người vợ đi đâu phải xin phép chồng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ đảm nhận chính các công việc trong gia đình, đặc biệt là trong giáo dục, nuôi dạy con cái, chăm sóc người già, người ốm… Dù nhiều gia đình cho biết, người chồng có tham gia trong việc chăm sóc gia đình nhưng công việc này vẫn chủ yếu do phụ nữ làm.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền của phụ nữ trong thực hiện các chức năng  của gia đình. Trong đó, những yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất là nhận thức về quyền tự quyết cá nhân, nhận thức về quyền liên quan đến đối nội đối ngoại trong gia đình, yếu tố dân tộc... Dường như, nhóm càng ít tuổi, trình độ học vấn càng cao, số năm kết hôn càng ít, thu nhập càng cao thì càng có nhận thức cởi mở, bình đẳng và dân chủ về quyền quyết định của vợ, chồng trong thực hiện các chức năng của gia đình.

Mặc dù các kết quả điều tra này đã được in thành sách chuyên khảo nhưng trong buổi công bố sách, các khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực gia đình và giới vẫn sôi nổi đóng góp ý kiến. Bên cạnh các ý kiến đánh giá cao những giá trị số liệu chân thực, chính xác, tin cậy, thực hiện nghiêm túc của nghiên cứu, mỗi khách mời đều có các ý kiến góp ý cụ thể.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam - nhìn nhận kết quả cuộc điều tra dưới góc độ người phụ nữ. Theo bà, bình đẳng giới trong gia đình tạo các giá trị của gia đình, để gia đình tồn tại bền vững thành dòng họ, dòng tộc. Tiếp cận bình đẳng giới trong gia đình phải đưa yếu tố tâm lý, giáo dục gia đình lên trước, kinh tế đưa xuống sau. Đặc biệt, phải đặt chức năng sinh sản, phát triển nguồn lực lên trước. Giá trị thiên chức làm mẹ của người phụ nữ tôn vinh giá trị giới trong gia đình, ảnh hưởng tới thực thi quyền năng của người phụ nữ trong gia đình.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định đây là một cuộc điều tra, một công bố có giá trị. Ông khuyến nghị tiếp tục thực hiện điều tra này thường niên để thấy được sự thay đổi câu chuyện bình đẳng giới theo thời gian.

GS.TS Lê Thị Quý đánh giá cao kết quả khảo sát này. Bà góp ý nên hỏi ý kiến nam giới tham gia khảo sát nhận xét thế nào về quyền quyết định của phụ nữ để xem “Gà mái gáy thay gà trống” thế nào, phân tích sẽ ra các chỉ báo khoa học. Việc nhắc đến quyền quyết định của phụ nữ trong định hướng nghề nghiệp và hôn nhân của con cái cũng chính là yêu cầu sự tiến bộ của phụ nữ về tri thức, tìm cách tạo điều kiện cho phụ nữ học hành, khẳng định giá trị của mình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - nguyên Trưởng ban Gia đình Xã hội (TƯ Hội LHPNVN) - cho biết, Ban Chủ nhiệm đề tài và lãnh đạo Học viện Phụ nữ Việt Nam đã làm việc nghiêm túc, tiếp thu ý kiến để bổ sung và đưa đến một cuốn sách chuyên khảo với các dữ liệu chính xác và quan trọng. Bà Mai khẳng định, đối với những cán bộ đã và đang làm công tác tham mưu đề xuất, kiến nghị của Hội LHPN Việt Nam cho Chính phủ, nhà nước, rất cần các công trình nghiên cứu và ra sách như thế này để có nguồn tư liệu sử dụng, có cơ sở đề xuất, kiến nghị sát thực tế.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video