Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bình Đẳng giới

02/06/2006
Trong phiên họp ngày 2/6/2006, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Bình đẳng giới

Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết phải ban hành Luật Bình đẳng giới; tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; bố cục; các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới; bình đẳng giới trong lĩnh vực đời sống xã hội và trong gia đình; các biện pháp (đặc biệt) tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ; bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và việc quy định tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia lãnh đạo; cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.


Thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Luật Bình đẳng giới, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều nhất trí như tờ trình đã nêu và về tên gọi của Luật, các đại biểu cho rằng tên gọi Luật Bình đẳng giới đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa, đảm bảo tính khoa hoc, ngắn gọn, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.


Về tuổi nghỉ hưu: Đa số ý kiến đại biểu đồng ý phương án 1: quy định tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam, nữ như nhau. Đối với nữ cán bộ, công chức và người lao động, nếu có nguyện vọng, được nghỉ sớm từ 1 đến 5 năm không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuổi nghỉ hưu trong một số ngành nghề đặc thù do Chính phủ quy địnhĐiều này đã khẳng định công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt, có quyền được lao động, quyền được làm việc theo quy định tại Điều 63, Điều 55 Hiến pháp 1992 và Điều 5, Bộ Luật Lao động, đồng thời cũng nhằm mục đích huy động những lao động nữ có sức khoẻ, trí tuệ tiếp tục được cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho Quỹ BHXH; thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho lao động nữ chủ động, lựa chọn thời gian nghỉ hưu phù hợp.

 

Vấn đề quản lý Nhà nước về bình đẳng giới được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Các ý kiến đều cho rằng cần có một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, còn các cơ quan khác trong Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực theo sự phân công của Chính phủ./.



 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video