Quảng Trị xây dựng được 18 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”

12/04/2022
Là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, với sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh đã có 18 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Lễ ra mắt mô hình "Làng quê an toàn" cho phụ nữ, trẻ em ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Ảnh: T.L)

Nằm tại trung tâm xã với 111 hộ (436 khẩu), thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa còn tình trạng tệ nạn ma túy, mất an toàn giao thông, bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…, tạo nên những vấn đề thiếu an toàn cho phụ nữ và trẻ em, cần được quan tâm, giải quyết. Từ thực trạng đó, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn và triển khai xây dựng mô hình Làng quê an toàn tại Tăng Cô Hang.

Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Anh Hồ Cu Tổ - Trưởng thôn, Trưởng Ban điều hành mô hình cho biết: “Trong thời gian qua, thực hiện điều hành mô hình, chúng tôi đã tích cực vận động người dân tham gia. Đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để các hộ gia đình thấy được lợi ích khi tham gia mô hình, từ đó tham gia sinh hoạt và thực hiện các nội dung cam kết  đầy đủ”. Mô hình duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần với các chủ đề như: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; bình đẳng giới, kỹ năng sống, tai nạn thương tích: Đuối nước, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội...đặc biệt là phòng chống ma túy cho các hộ gia đình trong thôn. Chị Hồ Thị Thiếc,  Chủ tịch Hội LHPN xã Lìa chia sẻ: “Để đảm bảo  an toàn cho phụ nữ và trẻ em vùng miền núi, chúng tôi lựa chọn vấn đề ưu tiên để thực hiện dần từng bước một. Để mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” phát huy hiệu quả, thời gian tới Hội LHPN xã tăng cường phối hợp với đồn biên phòng, Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các mô hình sinh kế, công trình đường sáng, an toàn, lắp đạt camera an ninh, áo phao an toàn qua hồ Lìa...”

Cùng với đó, mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Câu Hà, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng cũng được UBND xã ra quyết định thành lập với mục đích huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Sau khi thành lập, mô hình đã ban hành Quy chế hoạt động; thành lập Ban Chủ nhiệm với 9 thành viên. Bên cạnh các nội dung sinh hoạt về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ; phòng, chống bạo lực học đường; an toàn môi trường mạng,… các thành viên tham gia mô hình còn được  tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau khi ốm đau, vui buồn, hiếu hỷ.

Ở huyện Vĩnh Linh, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” được triển khai tại thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy với sự tham gia hưởng ứng của của 496 thành viên. Đây là mô hình thứ 3 được thành lập trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và là mô hình thứ 11 trên địa bàn tỉnh. Tham gia sinh hoạt mô hình, các thành viên sẽ được trao quyền để trở thành tình nguyện viên trực tiếp tham gia và tổ chức các hoạt động an toàn cho phụ nữ và trẻ. Mặt khác, các thành viên trong mô hình cũng tích cực hỗ trợ lẫn nhau và trợ giúp sinh kế cho hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo; tham gia đỡ đầu trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn; tiên phong, tích cực tiếp nhận thông tin và đề xuất, kiến nghị giải pháp cùng các đoàn thể phối hợp khắc phục, xử lí vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn.

Tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, với 74 thành viên tham gia, mô hình Làng quê an toàn cũng nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ - Đảng ủy - UBND xã Cam Thủy, tạo điều kiện cho ban điều hành mô hình hoạt động, nâng cao ý thức cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng dân cư tham gia và tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương. Qua đó đã triển khai các hoạt động hết sức cụ thể thiết thực với đời sống của người dân địa phương như: Khảo sát, cắm biển báo, rào chắn tại các ao, hồ có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn thôn; tổ chức dạy bơi cho trẻ; giáo dục hành động an toàn giao thông...

Tính đến nay, với 18 mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, đã có hàng nghìn thành viên tham gia. Ban điều hành do Bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, khu phố trưởng làm trưởng ban điều hành; 100% mô hình có thành viên là nam giới, chiếm từ 25- 35%. Các mô hình đã đã tổ chức được 31 buổi truyền thông cho các thành viên các kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình an toàn, hạnh phúc; xây dựng được 13 mô hình trong mô hình gồm các CLB về “Phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình”; CLB bà mẹ trẻ em phòng, chống xâm hại tình dục, CLB phòng chống ma túy, “Nhóm cha mẹ”, CLB “ phòng, chống bạo lực gia đình”… 15 chỉ tin cậy tại cộng đồng, được xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả.... Ngoài ra, từ nguồn đóng góp của các thành viên và vận động của các cấp Hội đã Hỗ trợ xây dựng 03 vườn mẫu; 5 mô hình sinh kế cho 25 hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, 125 nhà tiêu hợp vệ sinh, 50 thùng rác, 500 cây xanh; 03 bộ âm thanh loa máy và tủ sách cùng nhiều hỗ trợ thiết thực khác cho thành viên mô hình.

Mô hình bước đầu đã tạo được sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân. Tình làng nghĩa xóm được gắn bó; có ý nghĩa thiết thực, là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ và trẻ em, nhất là bảo vệ, giúp đỡ cho các đối tượng thuộc diện yếu thế có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đức Việt

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video