Quảng Trị: Nữ quân nhân Biên phòng trên cung đường in dấu nghĩa đồng bào

15/12/2020
Khi cơn lũ dữ đi qua, những nữ quân nhân của BĐBP Quảng Trị không quản ngại khó khăn đồng hành cùng những chuyến xe thiện nguyện chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào nơi biên giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh.. .
Nữ quân nhân BĐBT Quảng Trị tặng quà cho bà con xã Ba Nang, huyện Đak rông, tỉnh Quảng Trị.

Có lẽ nhiều người đã quen với hình ảnh những người lính biên phòng dầm mình trong mưa gió để ứng cứu, giúp nhân dân vượt qua bão lũ. Nhưng cũng không ít người biết rằng, khi cơn lũ dữ đi qua, những nữ quân nhân của BĐBP Quảng Trị không quản ngại khó khăn đồng hành cùng những chuyến xe thiện nguyện chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào nơi biên giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh.. .

20h, với nhiều người thì đây là thời gian gia đình đã ăn xong bữa tối, quay quần bên nhau, thế nhưng Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy, nhân viên quân y của phòng Hậu cần thì lúc này mới lên xe trở về thành phố Đông Hà.

Hôm nay, chị đi hỗ trợ cho Đoàn từ thiện cứu trợ cho bà con xã Ba Lòng, huyện Đakrông gặp khó khăn vì ảnh hưởng bởi mưa lũ kéo dài. Một ngày mệt nhoài cùng đoàn thiện nguyện thế nhưng chị vẫn tươi cười, trò chuyện với mọi người. Chồng của Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy đang công tác ở Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình. Đã 2 tháng nay anh không về thăm nhà vì địa bàn anh đóng quân cũng đang xảy ra lũ lụt, người dân đang gặp khó và những người lính Biên phòng hơn lúc nào hết cần phải giúp đỡ nhân dân.

Hai vợ chồng ở hai phương trời nhưng cùng trên mặt trận giúp nhân dân vượt lũ, cùng động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, giúp đỡ cho bà con.

Con gái của Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy đã vào đại học, con trai cũng đã vào cấp 2 nên chị “có thời gian” hơn những cán bộ nữ khác để có thể tham gia các nhiệm vụ trên biên giới. Thế nhưng, chị bảo còn 1 lý do nữa để “nhận phần” đi theo các chuyến cứu trợ lên biên giới là vì: “Sau lũ, ăn uống kham khổ lại thiếu nước sạch, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề nên bà con thường bị ốm đau.

Bản thân có kiến thức chuyên môn về ngành y nên cũng có thể giúp 1 số bà con. Từ thực tế, tôi nhận thấy, lương thực, quần áo bà con rất cần nhưng sau lũ bà con cũng rất thuốc chữa bệnh. Dù quân y đồn, lực lượng y tế cơ sở luôn hết lòng vì bà con nhưng với số lượng lớn hoặc bùng phát dịch bệnh thì lúc ấy sẽ rất khó khăn”. Thế đấy, ở hoàn cảnh nào, những người lính Biên phòng cũng nghĩ cho người khác.

Với Thượng úy Phạm Hương Linh, nhân viên thống kê của Ban Tổ chức, phòng Chính trị thì quãng thời gian xảy ra bão lũ vừa qua lại chính là thời gian giúp cô hiểu thêm những giá trị của cuộc sống. Linh vừa trở về từ chuyến đi hỗ trợ đoàn thiện tại xã Ba Nang, huyện Đak rông với bao cảm xúc. Tôi biết Linh từ khi Linh mới nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Cô gái đến từ vùng đất lửa Quảng Trị có dánh người mảnh khảnh và rất rụt rè trước đám đông. Ấy thế mà lần này gặp lại, tôi chợt nhận ra, nữ tân binh ngày nào đã trưởng thành về mọi mặt. Linh bảo: Ngày trước, khi bước vào quân ngũ, em cứ nghĩ làm Bộ đội như một nghề để kiếm sống, nhưng đến hôm nay mới thực sự hiểu, cuộc sống trong quân ngũ còn cho em nhiều hơn thế nữa.

Những lần về với biên giới, nhìn nụ cười hồn nhiên của em bé khi nhận được món quà nhỏ từ các đoàn thiện nguyện, hay những lời cảm ơn từ những cụ già nhận được chiếc chăn cho mùa đông giá lạnh em bỗng thấy xung quanh mình còn nhiều mãnh đời cực khổ, để từ đó biết bằng lòng và quý trọng những gì mình đang có.

Chồng của Thượng úy Phạm Hương Linh đang công tác tại Công an tỉnh Quảng Trị, những ngày bão lụt cũng gần như không có thời gian ghé qua nhà. Con còn nhỏ nhưng Linh vẫn “cố gắng nhiều nhất có thể” để đi theo, hỗ trợ cho các đoàn thiện nguyện liên biên giới.

Những chuyến đi ấy, thương đồng bào rồi lại thương đồng đội mình. Trong mưa gió, các anh hết lòng lo lắng sự an toàn cho nhân dân. Lũ rút, những người lính lại bận bịu với việc gúp nhân dân khắc phục hậu quả, lo cái ăn, cái mặc cho đồng bào. Chu đáo, nhiệt tình với nhân dân nhưng với gia đình các anh tự nhận mình chưa tròn trách nhiệm. Phạm Hương Linh thương cậu chiến sĩ trẻ Lê Văn Hạnh ở Đồn Biên phòng Ba Nang, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo mà cứ lần lữa chưa về phép được. Linh nể phục Thượng úy Lê Khánh Sỹ miệt mài chở hàng cứu trợ cho đồng bào biên giới thì nhận tin nhà mình bị cháy mà vẫn bình tĩnh hoàn thành xong nhiệm vụ mới trở về nhà. Ở hoàn cảnh này, việc nhà cứ phải gác lại để lo lắng cho đồng bào…

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy trong chuyến thăm, tặng quà cho Trường Mần non xã Xy huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Vốn trước nay, đồng bào Vân Kiểu các xã A Ngo, A Bung (huyện Đakrông) chỉ quen gặp các “chú” thì nay đã bắt đầu quen thêm với “O” Biên phòng. Thiếu tá Lê Thị Vân là nhân viên Kiểm thể của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay thế nhưng bất cứ khi nào có thời gian, chị lại tham gia công việc cùng anh em trong đơn vị, nhất là những công việc thiện nguyện, giúp đỡ bà con trên địa bàn.

Mô hình “Bát cháo tình thương” của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tại cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa Đakrông tại xã Tà Rụt là hoạt động của Đoàn thanh niên, thế nhưng chị thường xuyên tham gia. Để có cháo kịp bữa sáng cho các bệnh nhân, chị phải thức dậy đi từ sớm, cùng cán bộ, chiến sĩ nấu rồi vận chuyển ra xã Tà Rụt cách mấy chục cây số.

Những ngày mưa lũ hay ngày đông rét mướt Thiếu tá Lê Thị Vân cũng không hề nản lòng. Chị bảo: “Múc bát cháo cho bà con, thấy niềm vui trong mắt họ mình cũng thấy thật hạnh phúc”. Cũng vì thương xuyên gần gũi với người dân trên địa bàn nên chị biết mẹ Y Lăm sống đơn thân một mình, chị Y Dục khó khăn vì nhà nghèo lại đông con. Những ngày vừa rồi, các đoàn thiện nguyện đến xã A Bung, A Ngo tặng quà, được tận tay chuyển những cân gạo, gói muối, cá khô cho mẹ Y Lăm, chị Y Dục,

Thiếu tá Lê Thị Vân phần nào như trút được gánh nặng trong lòng, bởi chị biết với số lương thực, thực phẩm này mọi người sẽ phần nào đỡ khó khăn.

bienphong.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video