Quảng Trị: Lớp học “đặc biệt” của phụ nữ Vân Kiều ở thị trấn Krông Klang

19/08/2021
Đồng hồ điểm 19 giờ, học viên ngồi ngay ngắn. Sách vở, phấn, bảng đã sẵn sàng chờ giáo viên vào lớp. Không khí học tập nghiêm túc không khác gì những lớp học thường thấy mỗi ngày. Tiết học bắt đầu sau khi giáo viên chào các bà, các mẹ bằng tiếng đồng bào.
Cô giáo Hồ Thị Đình hướng dẫn học viên viết chữ

18g30, ánh nắng cuối ngày khuất sau núi, bà Hồ Thị Dần, 58 tuổi, vội vã mang ba-lô đến với lớp học đặt tại Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Krông Klang. Đây là lớp xóa mù chữ dành cho chị em phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, ở vùng cao Krông Klang này. Lớp có 28 học viên, đều là người Vân Kiều.

Lật vở ôn bài cũ trước khi vào bài mới, bà Dần phấn khởi: “Ngày xưa nhà nghèo không có điều kiện đi học. Đến khi lớn thì lấy chồng, rồi làm lụng vất vả nuôi con. Chừ con cái lớn rồi, đi làm ăn xa rồi, mình tham gia lớp học để biết cái chữ, biết cầm bút ký tên mình, khỏi phải lăn tay mỗi khi có việc. Đi học rất vui. Ở đây, giáo viên và các chị em còn chia sẻ cho nhau cách vệ sinh phòng, chống dịch COVID-19, cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả”. Dù là học viên lớn tuổi nhất lớp nhưng bà Dần lại rất nhanh nhạy trong nắm bắt bài vở. Bà thường bày cách cho chị em đánh vần, đọc chữ, làm toán.

Đồng hồ điểm 19 giờ, học viên ngồi ngay ngắn. Sách vở, phấn, bảng đã sẵn sàng chờ giáo viên vào lớp. Không khí học tập nghiêm túc không khác gì những lớp học thường thấy mỗi ngày. Tiết học bắt đầu sau khi giáo viên chào các bà, các mẹ bằng tiếng đồng bào.

Gần 60 tuổi, bà Hồ Thị Dần đang nắn nót từng nét chữ để tự ký tên mình

Chậm rãi đưa nét bút theo hướng dẫn của cô giáo, mặt chị Hồ Thị Hai giãn ra sau khi hoàn thành con chữ. Nhà nghèo, hằng ngày chị Hai phải lên nương rẫy gieo hạt lúa, trồng cây sắn, vì thế mà giấc mơ học chữ của chị cứ lùi dần vào quên lãng. Bởi thế, khi nghe tin có lớp xóa mù chữ miễn phí được mở cho chị em, lại dạy vào buổi tối, chị Hai đăng ký ngay. Chị bảo: “Đi học vui lắm! Giờ mình biết đọc cả sách nữa. Trước đây, chỉ lén ngồi sau lưng nghe con đọc bài mỗi tối thôi”. Như sợ cái chữ nó bỏ mình đi mất, sau khi học ở lớp về, người mẹ đơn thân lại nhờ hai con đang học tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục bày cho mình học. Có những hôm ba mẹ con cùng nhau học đến nửa đêm. “Ban ngày, ngoài giờ lên rẫy, mình tranh thủ, rảnh lúc nào là nhờ các con bày cho tập viết, đánh vần, đọc và làm toán lúc đó” - chị Hai cho biết.

Cô giáo Hồ Thị Đình, người đang tận tình hướng dẫn chị em từng nét chữ, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi đứng lớp với nhiều học sinh “đặc biệt” như thế này. Các mẹ, các chị đều đã trên 30 tuổi. Những bàn tay chai sần vì lao động, quen cầm cuốc, cầm dao, nay run run cầm cây bút trông thật thương. Tôi rất vui khi mỗi ngày các mẹ, các chị tiến bộ, biết viết và biết đọc. Dù bận rộn mưu sinh nhưng các mẹ, các chị vẫn đến lớp rất đều đặn. Đó cũng là động lực để tôi tham gia lớp tình nguyện này và sẽ tham gia các lớp tiếp theo”. Ngoài dạy chị em học, cô giáo Đình còn tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ nhờ chị em dạy mình học thêm tiếng đồng bào.

Ngoài cô Đình, lớp còn ba giáo viên tình nguyện tham gia với sự hỗ trợ của các hội viên phụ nữ thị trấn. Chị Phan Thị Chung - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Krông Klang - cho biết: “Theo kế hoạch, chúng tôi xây dựng giáo trình học 30 buổi trong vòng ba tháng hè. Tuy nhiên, quá trình dạy học, thấy các mẹ, các chị đến lớp rất phấn khởi và đều mong muốn được học nhiều hơn nên thay vì dạy 3 buổi/tuần, chúng tôi dạy 5 - 6 buổi/tuần”.

Cũng theo chị Chung, tỷ lệ mù chữ trên địa bàn còn khá cao. Không biết chữ đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chị em, nhất là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách, cách làm ăn mới để phát triển đời sống kinh tế… Cho nên, “thông qua lớp xóa mù chữ, chúng tôi không chỉ mong chị em biết đọc chữ, làm toán mà còn cố gắng lồng ghép thêm các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh, rũ bỏ những hủ tục lạc hậu… để cùng nhau tiến bộ, nâng cao đời sống mọi mặt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp học như thế này để tất cả chị em đều có điều kiện học chữ, xóa mù” - chị Chung cho biết thêm.

Đồng hồ điểm 21 giờ, 28 học sinh, nhiều người tóc đã ngả màu, rời lớp học trở về nhà. Tiếng nói cười, tiếng trao đổi bài học vẫn rộn rã trên các ngõ vào thôn bản. Lớp học đã thỏa ước mong được đến trường, gieo niềm tin, niềm vui vào cuộc sống cho những người phụ nữ nghèo, yếu thế nơi rẻo cao Đakrông.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video