Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng

23/02/2021
Từ khi đi vào hoạt động, mô hình Tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng (TKTD) của Chi hội phụ nữ Khu phố 2 , thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình cho hội viên. Đồng thời, tham gia tổ hợp tác còn giúp các hội viên, phụ nữ sử dụng nguồn vốn hiệu quả để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng của Chi hội phụ nữ Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ giải ngân vốn kỳ 2018 - 2020 - Ảnh: L.N​

Điểm tựa của phụ nữ nghèo

Chồng đau ốm thường xuyên, một nách nuôi 3 con nhỏ, bản thân không có việc làm ổn định, gánh hàng rong với số tiền lãi vài chục ngàn đồng hằng ngày của chị Phan Thị Thìn vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, kinh tế gia đình chị rơi vào khó khăn, nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Tham gia tổ hợp tác TKTD, năm 2013, chị được vay 20 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế. Bước ngoặt trong cuộc đời người phụ nữ nghèo này đã thực sự đổi thay từ đó. Chị Thìn cho biết: “Tham gia tổ, được các chị em hội viên động viên và giúp đỡ, tôi đã vay vốn để phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Ngay từ lứa đầu tiên, tôi đã thu được hơn 1 kg nhung hươu đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng. Những lứa sau đó, số lượng nhung hươu ngày càng tăng, mỗi năm bình quân thu 2 lứa với gần 3 kg với bán ra thị trường từ 15 - 17 triệu đồng/kg. Được hỗ trợ vay vốn, tìm được mô hình kinh tế phù hợp đã giúp tôi thoát nghèo, có điều kiện để chữa bệnh cho chồng, nuôi các con ăn học, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Những năm trước, gia đình chị Thái Thị Thư cũng rất khó khăn. Sau khi tham gia tổ hợp tác TKTD, chị Thư được tạo điều kiện để vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã có sự thay đổi rõ nét. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thư cho hay: “Tôi được tạo điều kiện vay vốn để kinh doanh. Việc buôn bán thuận lợi nên đã giải quyết được việc làm cho các thành viên trong gia đình, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên khá giả. Một ưu điểm nổi bật của vốn vay tín dụng tại chi hội đó là thủ tục đơn giản, không cần thế chấp nên tất cả hội viên tham gia tổ tiết kiệm đều được vay phát triển kinh tế. Tham gia tổ tiết kiệm cũng giúp chị em chúng tôi biết tiết kiệm chi tiêu để chăm lo cho cuộc sống gia đình”.

Đến thời điểm này, đời sống của hội viên phụ nữ tại thị trấn Cam Lộ nói chung và Khu phố 2 nói riêng đã được nâng lên đáng kể với số hộ khá, giàu chiếm tỉ lệ cao. Không khó để gặp gỡ nhiều hội viên, phụ nữ trước đây từng là hộ nghèo, hộ khó khăn, nhờ tham gia tổ hợp tác TKTD đã có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, nhiều chị còn tạo việc làm cho các hội viên phụ nữ khác. Chúng tôi rất ấn tượng với chia sẻ của chị Phan Thị Thìn: “Với những kết quả đạt được thời gian qua, tổ hợp tác TKTD của Chi hội phụ nữ Khu phố 2 thực sự trở thành điểm tựa vững chắc của hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo”. 

Tiết kiệm nhỏ, hiệu quả lớn

Trong câu chuyện với chúng tôi về hiệu quả của tổ hợp tác TKTD, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ Phan Thị Táo nhiều lần nhắc đến sự cải thiện về chất lượng cuộc sống của hội viên phụ nữ. “Với 115 hội viên, phụ nữ, đến nay chi hội không còn hội viên nghèo, tỉ lệ hội viên khá, giàu chiếm trên 60%. Để được kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tổ hợp tác TKTD”, chị Táo khẳng định.

Ra đời từ năm 1996 với tên gọi ban đầu là tổ TKTD, mục đích chủ yếu của tổ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Khi mới thành lập, tổ chỉ thu hút được 20 thành viên tham gia, hằng tháng đóng góp từ 10 - 20 nghìn đồng để gây quỹ tiết kiệm. Tuy nguồn vốn không lớn nhưng đây là giải pháp hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn tự có, đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình cho hội viên, phụ nữ, là động lực giúp các chị em vươn lên thoát nghèo bằng nội lực. Từ hiệu quả bước đầu của tổ TKTD, đến năm 2015, chi hội đã chuyển đổi từ mô hình tổ TKTD sang tổ hợp tác TKTD. Từ đó đến nay, tổ hợp tác TKTD đã có những bước phát triển mới, số thành viên đã tăng lên 185 với nguồn vốn tiết kiệm định kỳ hằng tháng 120 triệu đồng, vốn trong nhiệm kỳ gần 4 tỉ đồng, đã giúp cho gần 500 lượt hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế. Ưu điểm của nguồn vốn này là lãi suất ưu đãi, thủ tục vay đơn giản nên các hội viên rất dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu. Để tạo niềm tin cho các thành viên, chi hội đã có những giải pháp quản lý vốn hợp lý, xây dựng hệ thống sổ sách rõ ràng, không xảy ra tình trạng xâm chi, nhờ vậy tổ hợp tác ngày càng phát triển, nguồn vốn huy động năm sau cao hơn năm trước. Số tiền các thành viên tiết kiệm bình quân từ 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng, mỗi thành viên được vay bình quân 30 triệu đồng trong 3 năm để phát triển kinh tế.

Bên cạnh tổ hợp tác TKTD, Chi hội phụ nữ Khu phố 2 còn thành lập thêm nguồn vốn tiết kiệm đặc biệt để huy động tiền nhàn rỗi trong hội viên, phụ nữ, từ đó tạo thêm nguồn vốn cho các hội viên, phụ nữ, doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chi hội còn thành lập quỹ “Tiết kiệm ve chai”, quỹ “Tiết kiệm heo đất” để giúp đỡ các hội viên lợp lại mái nhà bị hư hỏng do thiên tai; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các chị em ốm đau, gặp khó khăn đột xuất… Để nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội, nhiều mô hình hiệu quả cũng được thành lập và duy trì hoạt động, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Tiêu biểu như câu lạc bộ bình đẳng giới, tổ phụ nữ đảm đang, câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông… 

Tổ hợp tác TKTD là một mô hình không mới tại nhiều địa phương nhưng với cách quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tổ hợp tác TKTD của Chi hội phụ nữ Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ thực sự là một mô hình tiêu biểu, không chỉ giúp nhau về vốn, các thành viên trong tổ hợp tác còn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Mô hình còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các thành viên, tạo động lực để thu hút chị em tham gia và xây dựng tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh.

http://www.baoquangtri.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video