Quảng Ngãi: Những cô giáo như “mẹ hiền” trên non cao

13/01/2022
Với lòng yêu nghề và trái tim tràn đầy nhiệt huyết, những cô giáo ở vùng cao Trà Bồng đã chăm lo, dạy dỗ, đặt những viên gạch đầu tiên trên bước đường đi đến tương lai tươi sáng hơn cho những học sinh là con em đồng bào dân tộc Cor ở quê hương mình.
Những cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh

Thôn Tây được biết đến là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng. Đường lên thôn Tây luôn là nỗi ám ảnh của các thầy cô giáo và học sinh nơi đây bởi đường sá khó khăn, cách trở. Nhưng vượt lên những khó khăn ấy, cô và trò nơi đây vẫn ngày ngày nỗ lực dạy và học thật tốt.

Mới được đầu tư xây dựng đường bê tông hơn một nửa con đường nên năm nay, đường lên thôn Tây chỉ còn khoảng gần 2km là đường đất nhưng dốc ngược, mùa mưa trơn trượt, bùn đất nhầy nhụa. Cô Hồ Thị Ngọc Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Trà Sơn, dạy học tại điểm trường thôn Tây bộc bạch: “Đường rất là khó đi, năm nay đỡ do không có xe keo chứ năm ngoái nó lầy lội luôn, tụi em đi té lên té xuống, nay thì mưa lớn là tụi em gửi xe đi bộ vô”.

Điểm trường thôn Tây có 3 lớp học gồm một lớp Mầm non ghép 3 độ tuổi thuộc trường Mầm non Trà Sơn và 2 lớp (lớp 1 và lớp 2) thuộc trường Tiểu học Trà Sơn, với tổng cộng 51 học sinh và 4 cô giáo. Trường lớp ở đây khang trang, đảm bảo cho việc học tập của con em nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, nhất là những học sinh có ba mẹ không xuống ở khu tái định cư. Hàng ngày các em phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ cả đi và về trên con đường dốc núi dựng đứng. “Học sinh ở đây khổ lắm, đường đi khó khăn, xa xôi, tội nhất mấy em ở Gò Nổi, các em đi xa phải đem cơm theo”, cô Nguyễn Thị Kim Kính, giáo viên trường Tiểu học Trà Sơn chia sẻ.

Bữa cơm trưa của các em học sinh ở điểm trường thôn Tây

Khó khăn là vậy nhưng các cô giáo đều có chung nhận xét: học sinh ở đây tuy nghèo, vất vả nhưng rất ham học, ngoan ngoãn. Đặc biệt, những học sinh ở tận trên Gò Nổi tuy đường sá xa xôi, dốc ngược khó đi nhưng không bao giờ bỏ học, chỉ trừ ngày đau ốm hay mưa lớn, nước suối dâng cao không qua được các em mới nghỉ. “Các em ở Gò Nổi rất là tội, luôn đi học chuyên cần, chỉ có đau ốm các em mới nghỉ học, phụ huynh trên đó họ cũng quan tâm con em nên dẫn con đi học. Điểm trường này thực hiện hình thức bán trú dân nuôi. Các em học sinh ở xa đem cơm theo đến lớp ăn trưa và ngủ lại để học buổi chiều. Nhìn những cà mèn cơm của học sinh, nhiều hôm cô rớm nước mắt vì có em chỉ có cơm gạo rẫy, hoặc cơm trắng với tí rau rừng, có khi không có cả mắm, muối và không bao giờ có món canh”, theo cô giáo Hồ Thị Ngọc Hạnh.

Nhiều khi thấy các em khó khăn quá, hộp cơm mang đi không có thức ăn, các cô lại chi tiền mua nguyên liệu nấu thêm cho các em hoặc chia thêm phần ăn của các cô; thấy các em lạnh vì không có đủ đồ mặc, các cô lại mua cho bộ quần áo hoặc đi xin quần áo cũ cho các em mặc.

Con đường đến trường của cả cô và trò nơi đây vẫn còn nhiều gian khó, tuy nhiên với tình yêu thương, dạy học trò bằng cả tấm lòng của các cô giáo và sự nỗ lực, ham học của các em học sinh điểm trường thôn Tây, hy vọng tương lai tươi sáng sẽ ngày càng rộng mở với các em nhỏ trên vùng đất khó khăn này.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video