Quảng Ngãi: Hình ảnh đẹp từ những người phụ nữ mưu sinh bên rừng dừa nước

17/01/2022
Những người phụ nữ thật thà, chất phác ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi đã gắn bó cùng gia sản của cha ông từ bao đời nay để lại là rừng dừa nước để mưu sinh. Rừng dừa vừa là lá chắn bảo vệ làng nhưng cũng là nguồn sống của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Tía ngồi bện lá dừa tiếp nối nghề của ông cha để lại

Bà Nguyễn Thị Tía là thương binh 3/4 (66 tuổi) ở xóm Khê Thủy B, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê đã gắn bó với nghề bện lá dừa từ ấu thơ, trong chiến tranh, gia đình bà cũng sống nhờ rừng dừa nước, kể cả khi hòa bình, bà vẫn không bỏ nghề. Bà Tía cho biết, ngày trước từ lá dừa có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như võng dừa, chổi, mũ... bây giờ mấy thứ đó không còn sử dụng, chỉ còn duy nhất là tấm mái che lợp nhà từ lá dừa vẫn còn chuộng.

“Rừng dừa nước này như máu thịt của tôi, kỉ niệm tuổi thơ mò cua, bắt ốc ở đây. Lớn lên theo cha mẹ làm nghề bện lá dừa miết đến giờ, bây giờ làm cũng để lấy niềm vui dù ít tiền nhưng mình coi như để trông giữ rừng dừa, vừa khai thác vừa bảo vệ rừng dừa nước mà cha ông để lại” bà Tía trải lòng.

Hiện, ở đây còn khoảng chục hộ dân gắn bó với nghề bện lá dừa, bình quân mỗi ngày ngày bà Tía đan khoảng 20 – 25 tấm, mỗi tấm giá hiện nay là 35 nghìn đồng. Lá dừa mỗi năm thu hoạch 2 lần từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6 đến tháng 7. Người dân phơi lá dừa khô, sau đó dùng nan tre bện lá dừa thành từng tấm, mỗi tấm gồm 25 đôi lá dừa bện lại.

Vẻ đẹp yên bình trên dòng Kinh Giang

Rừng dừa nước xã Tịnh Khê nằm ở đầu nguồn dòng Kinh Giang, giữa hai thôn Cổ Lũy và Trường Định. Trước đây, khu vực này là một vùng đầm lầy rộng hàng trăm héc ta, mọc nhiều cây cối như bần, đước, cói… và nhiều nhất là dừa nước.

Theo người dân ở đây cho biết, ngày trước vào mùa đông, rừng dừa là nơi trú ẩn của những đàn cò. Còn dưới mặt nước là nơi sinh sôi của những loài thủy sinh. Con cá đối nước lợ, con cua xanh, con ghẹ, con ốc... trở thành nguồn sống của cư dân ở đây. Nhiều gia đình đã sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Kinh. Thời ấy, người ta ví rừng dừa nước trên sông Kinh như một miền Tây thu nhỏ.

Trong mênh mông giữa rừng dừa, vừa cúi người nhặt được con sò trong lớp bùn dưới gốc dừa nước, bà Ngô Thị Sâm (61 tuổi), thôn Cổ Lũy vừa nở nụ cười hiền lành khoe, mỗi ngày bà bắt được 7-8 kí sò, mỗi kí sò bán được với giá 12 nghìn đồng.

Bà Ngô Thị Sâm khoe sò vừa bắt được

“Suốt ngày dầm mình trong nước, nhưng âu cũng là nghề chọn mình, vì mưu sinh, vì tương lai con cái cũng phải cố gắng theo nghề thôi, người dân chúng tôi ở đây giữ gìn rừng dừa nước, vì đó là nét đẹp của quê hương và cũng là nguồn sống nuôi lớn bao thế hệ”, bà Sâm vui vẻ nói.

Sau hàng trăm năm sống với những rừng dừa nước bạt ngàn, giờ đây, người dân Tịnh Khê đã bắt đầu nhận ra thế mạnh chính là những cảnh quan thiên nhiên để giữ gìn, khai thác và cải thiện cuộc sống từ vẻ đẹp mê hồn mà giản dị. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận và xếp rừng dừa nước này là di tích lịch sử, văn hoá của tỉnh, đồng thời là cụm di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh liên hoàn từ Long Đầu Hí Thủy đến bãi biển Mỹ Khê.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video