Quảng Ngãi: Chi hội trưởng phụ nữ năng động

10/01/2022
“Năng nổ, nhiệt tình, hết lòng với công tác Hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, phát triển kinh tế gia đình và chia sẻ, gần gũi với chị em” là nhận xét của hội viên phụ nữ thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa dành cho chị Nguyễn Thị Lượng (47 tuổi), chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn.
Cơ sở sản xuất bánh nổ truyền thống của gia đình chị Lượng

Những năm qua, chị Lượng luôn bám sát những nhiệm vụ trọng tâm và phong trào thi đua của Hội để triển khai đến toàn thể hội viên, được chị em đồng tình hưởng ứng thực hiện, hoạt động của chi hội đều đạt kết quả tích cực. Thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chị đã cùng với tập thể Chi hội tổ chức thực hiện nhiều hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tuyên truyền phòng, chống xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, vận động chị em xách giỏ đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, xây dựng đoạn đường kiểu mẫu, sạch đẹp, an toàn.

“Với vai trò là chi hội trưởng, tôi luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của chị em, qua đó vừa kết hợp tuyên truyền cho chị em hiểu được lợi ích, quyền lợi khi tham gia vào tổ chức Hội; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các chương trình, các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em học hỏi và làm theo nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…”, chị Lượng chia sẻ.

Trong phát triển kinh tế gia đình, chị Lượng là một trong những phụ nữ có gần 30 năm giữ gìn nghề truyền thống làm bánh nổ của thôn Điền Trang. Tìm đến nhà của chị Lượng những ngày cận Tết nguyên đán 2022, ngay từ đầu ngõ mùi thơm phức của nếp bung chín hòa quyện cùng với đường, vừng, gừng, quế bột lan tỏa khắp làng. Chị Lượng cho hay, nghề làm bánh nổ là do cha mẹ truyền lại. Để làm ra những chiếc bánh thơm ngon thì khâu chọn nếp rất quan trọng. Chị chọn nếp hương chuẩn bị từ vụ mùa tháng 3, đem phơi rồi cất kỹ. Đến ngày gần làm bánh, đem nếp ra phơi khô một lần nữa. Nếp càng khô thì khi rang sẽ nổ càng to và bung rất đẹp, rang nếp trên bếp than hồng. Khi nếp nổ sẽ làm bung vỏ trấu ra ngoài, cuối cùng chỉ còn lại những bống nếp thơm, trắng ngần. Hàng năm, vào dịp Tết nguyên đán cơ sở bánh nổ của chị xuất đi 3 – 3,5 tấn bánh ra thị trường, mỗi kí bánh nổ có giá 100 ngàn đồng.

“Năm nay tuy ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng đối với bánh nổ sau ngày đưa ông Táo về trời, ba ngày Tết, người dân dùng bánh nổ đặt lên trang trọng ở những nơi như: Trang ông Táo, trang Ông, trang Bà để tưởng nhớ và cầu nguyện mùa màng được bội thu, ấm no cho gia đình nên vẫn bán chạy hàng”, chị Lượng thổ lộ.

Những ngày này, cả gia đình chị phải làm việc với công suất gấp ba gấp bốn ngày thường. Nhờ việc quan tâm đến mẫu mã, chất lượng nên sản phẩm của gia đình không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn đưa đi tiêu thụ các nơi. Chị Lượng cũng luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các chị em có nhu cầu làm nghề bánh nổ, giúp chị em có việc làm trong những ngày giáp Tết, tăng thêm thu nhập trang trải gia đình.

Chị Võ Thị Thu Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Trung, nhận xét: Chị Lượng là một chi hội trưởng tiêu biểu, luôn trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác Hội, đặc biệt là trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các phong trào của Hội cấp trên hay chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Vào mỗi dịp Tết cổ truyền, làng nghề bánh nổ Điền Trang cần nhiều nhân công. Năm nay, những người đi làm ăn xa trở về địa phương để tránh dịch thì nghề làm bánh nổ cũng giúp họ kiếm thêm thu nhập vào dịp giáp Tết, nhất là phụ nữ. Cách đây 2 năm, bánh nổ được giới thiệu là sản phẩm OCOP địa phương. Trong thời gian tới, bên cạnh giữ vững thương hiệu bánh nổ Điền Trang, xã dự kiến sẽ nhân rộng, phát triển nghề làm bánh nổ ra 5 thôn còn lại”, chị Sang cho biết.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video