Quảng Ngãi: Đầm An Khê – nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ và người dân xã Phổ Khánh

24/06/2022
Bất kể sự khắc nghiệt của thời tiết, những người phụ nữ ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn dầm mình xuống đầm An Khê cào từng con ốc, dọp… để mưu sinh.
Chị Hoa đang giới thiệu con dọp chị vừa khai thác được ở đầm An Khê

Đã nhiều năm nay, chính những mẻ ốc, con cá, con tôm… được đánh bắt lên từ đầm An Khê đã nuôi sống bao phận người, nhất là lao động nghèo ở khu vực xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Như thường lệ, hàng ngày, khi nước rút xuống, phụ nữ và người dân ở đây lại rủ nhau cầm theo dụng cụ và dầm mình dưới nước nhiều giờ liền để cào don, dọp... Tuy vất vả mưu sinh nhưng nghề này đã trở thành miếng cơm manh áo chính của người dân.

“Đặc sản ở đầm chính là con dọp sống vùi mình trong cát. Muốn bắt được nó thì phải lặn xuống, lấy nĩa xới cát lên rồi bắt từng con một, bỏ vào túi lưới đeo trước cổ, chừng vài phút lại ngoi lên bỏ vào trong rổ, cứ tiếp tục mãi như thế”, chị Hoa ở phường Phổ Thạnh vừa dầm mình dưới nước vừa giải thích. Thường buổi bắt dọp kéo dài ít nhất 2 - 3 tiếng. Lặn ngụp khá lâu trong nước, sắc da của chị Hoa và những người mưu sinh trên đầm trở nên trắng nhợt và có phần thấm mệt. Thành quả buổi “đi săn” hôm nay, chị Hoa thu về tầm 7 - 8kg dọp, kiếm được vài trăm nghìn.

Nhìn vào các vật dụng như rổ, phao, thùng xốp... nổi trên mặt nước là có thể “định vị” được nơi đó đang có “thợ săn”. Bắt được kha khá, họ lại vào bờ, trút dọp xuống lòng đò hoặc cho vào túi nilon để sẵn.

“Người chuyên làm nghề này thì trong buổi sáng bắt hơn chục ký. Đàn ông hay lặn, bắt dọp ở vùng nước sâu, còn cánh phụ nữ đi men theo bờ, dùng chân rà dưới cát để tìm dọp. Trúng con nào thì bắt con đó, ít tốn sức nhưng không bắt được nhiều”, chị Hoa chia sẻ.

Bà Thúy ngồi đan lưới để đánh bắt cá

Dọp là loài đặc hữu ở đầm An Khê, có màu đen, viền vàng, con trưởng thành to bằng khoảng 2 ngón tay người lớn chụm lại. Không chỉ mang đến thu nhập đủ trang trải trong ngày, dọp còn là món khoái khẩu của nhiều người vì dễ chế biến và bổ dưỡng.

Vợ chồng bà Lê Thị Thúy (58 tuổi, xã Phổ Khánh) bao năm gắn bó mưu sinh ở đầm An Khê thổ lộ: “Khi nào cào được rổ dọp là đôi tay cũng nhăn nheo và tê cứng hết. Để tránh bớt nắng nóng, mặt trời vừa ló rạng đã có hàng chục người lội ra giữa đầm ngụp lặn để đánh bắt. Nhiều người ban đầu ngụp lặn chưa quen về nhà nổi ngứa khắp người, mắt đỏ lừ và tai cứ ù đi vì nước ập vào, nhưng rồi cứ làm mãi thành quen”.

Mỗi ngày vợ chồng bà Thúy đều đan lưới, đôi khi lại ngồi vá những mảnh lưới rách cũ kĩ. Bà con và người dân nơi đây đặc biệt không đánh bắt khai thác bằng các dụng cụ xung điện, chỉ khai thác bằng lưới và dụng cụ thủ công, như vậy mới bảo vệ được những con cá nhỏ.

Với nguồn lợi thủy sản dồi dào, đầm An Khê là nơi mưu sinh của của các hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (xã Phổ Khánh); Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh) và đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video