Quảng Nam: Nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

13/07/2021
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở thời điểm cả nước đang trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì việc chọn mua lương thực, thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng của mỗi người là vấn đề cần quan tâm.
Hội LHPN tỉnh triển khai Luật An toàn thực phẩm cho phụ nữ

Công tác tuyên truyền được chú trọng, triển khai

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người tiêu dùng, người sản xuất về nội dung “Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam” là khơi dậy lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Thời gian qua, Hội đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dưng gia đình 5 không 3 sạch”, trọng tâm là tiêu chí “3 sạch”, xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới” ở các địa phương …

Phối hợp tổ chức tư vấn, truyền thông, giao lưu hội thi “Tìm hiểu kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm”; tổ chức chương trình “Nấu ăn cùng Ajinomoto”; mở các lớp tập huấn, truyền thông cung cấp cho phụ nữ kiến thức trong việc sử dụng thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe. Hướng dẫn chị em lan tỏa tinh thần “xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng và lối sống, chung tay xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững”; vận động phụ nữ xóa bỏ tư tưởng “rau hai luống, lợn hai chuồng” trong trồng trọt và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh - Techfest Quảng Nam” và “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo” cấp huyện được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động như: hỗ trợ phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng như nước mắm truyền thống từ các làng nghề, sản phẩm OCOP: trà, rượu, bánh tráng, bánh chưng, ngũ cốc, yến sào, các loại thịt, rau, trái cây… trên địa bàn tỉnh. Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với ngành công thương, bưu điện huyện tổ chức điểm phân phối hàng Việt phù hợp, chất lượng tới thôn bản, vùng sâu, vùng xa thông qua ký kết với các doanh nghiệp.

Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về CVĐ

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức, vận động phụ nữ làm tốt vai trò để mang lại cho gia đình những bữa ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa “sạch, an toàn, tiết kiệm”. Tiếp tục các hoạt động hướng dẫn chị em áp dụng quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, chung tay vì một xã hội “Nói không với thực phẩm bẩn”; khuyến khích, vận động các gia đình thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa an toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường; giúp chị em tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ theo quy trình sản xuất an toàn.

Đặc biệt, vận động phụ nữ và người tiêu dùng tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biến chất; đồng thời lên án các tổ chức, cá nhân vì mục đích lợi nhuận, xem thường sức khỏe người tiêu dùng khi cố tình sản xuất, kinh doanh những thực phẩm không bảo đảm chất lượng, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, an sinh xã hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí: sạch từ nhà ra ngõ; sạch từ bếp đến bàn ăn; sạch trong sản xuất, chế biến tiêu dùng, kinh doanh lương thực, thực phẩm... và nhân rộng các mô hình trồng rau sạch, mô hình thực phẩm sạch, bếp ăn an toàn để chăm lo tốt sức khỏe cho mỗi gia đình.

 

Minh Ánh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video