Quảng Bình: Bà chủ thương hiệu dầu lạc Trường Thuỷ và hành trình đưa nguyên liệu địa phương thành sản phẩm OCOP

11/11/2021
Theo chân chị Lê Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi tới thăm HTX Nông sản Trường Thủy, thôn Đông Phúc, xã Liên Trường, ai cũng cảm thấy thực sự nể phục trước cơ ngơi rộng lớn, nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu của bà chủ thương hiệu dầu lạc Trường Thủy.
Sản phẩm dầu lạc Trường Thủy có nhãn mác, chai đựng hiện đại, tiện lợi (ảnh https://www.baoquangbinh.vn/)

Sinh ra và lớn tại huyện miền núi huyện Minh Hóa, chị Đinh Thị Mai Hoa (hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc HTX Nông sản Trường Thủy) theo gia đình vào định cư ở Lệ Thủy, lớn lên lập gia đình tại huyện Quảng Trạch, đây đều là những vùng quê chuyên canh về nông nghiệp. Chị đã được trực tiếp chứng kiến nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân quanh năm trên đồng ruộng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn bởi đất đai thiếu màu mỡ, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có tính tập trung, sản phẩm nông nghiệp làm ra bấp bênh về giá, trong khi nguồn lao động ở địa phương rất dồi dào, đặc biệt là lực lượng phụ nữ và các đối tượng mất sức lao động không đi làm ăn xa được.

Quyết tâm tìm hướng đi mới phát triển kinh tế trên quê hương mình, thấy bà con ở địa phương trồng nhiều lạc; đồng thời qua tìm hiểu, tiếp cận với chính sách về phát triển kinh tế của địa phương, được sự động viên khuyến khích của gia đình, sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, chị Mai Hoa đau đáu ý tưởng thành lập mô hình HTX Nông sản Trường Thủy để chế biến, sản xuất dầu lạc nguyên chất từ nguồn nguyên liệu do bà con nông dân tại địa phương mình làm ra.

Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi đến tháng 7/2017, mô hình Hợp tác xã (HTX) Nông sản Trường Thủy đã chính thức được thành lập. HTX chuyên sản xuất dầu lạc sạch, cung ứng ra thị trường sản phẩm thân thiện, an toàn cho sức khoẻ cộng đồng. Các công đoạn sản xuất đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây ảnh hưởng đến môi trường, phế phẩm trong quá trình sản xuất được tận dụng để chế biến làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chiến lược và giải pháp phát triển của HTX là lựa chọn khu vực trồng nguyên liệu, chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong vùng với diện tích ước tính từ 25 ha, đặc biệt là các vùng đất bãi bồi, hoang hoá, sản xuất kém hiệu quả trước đây.

Chị Mai Hoa chia sẻ “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ việc thu mua, bao tiêu sản phẩm nguyên liệu của bà con nông dân làm ra, chủ động ký kết cho nông dân nợ 50% giá trị tiền phân bón và bao tiêu sản phẩm lạc cho bà con, góp phần ổn định giá cả nông sản trong khu vực, tạo niềm tin giúp bà con yên tâm sản xuất”. Đồng thời, HTX không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Với chất lượng không ngừng được cải tiến và hoàn thiện, đến nay sản phẩm dầu lạc Trường Thủy đã từng bước được khẳng định và có nhiều bước tiến vượt bậc, đáp ứng đối tượng khách hàng và có mặt tại các siêu thị uy tín như Coopmart, chuỗi cửa hàng Nông sản sạch và các thị trường "khó tính” như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, Dầu lạc nguyên chất Trường Thuỷ là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3* cấp tỉnh (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Quảng Bình”, năm 2019); được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020; tham gia dự thi sản phẩm nông thôn cấp quốc gia tháng 5/2021. Đặc biệt, sản phẩm Dầu lạc Trường Thủy đã được giới thiệu trên chương trình Nông nghiệp sạch qua kênh VTV1.

Chị Đinh Thị Mai Hoa nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Chị Hoa cho biết “Nhờ chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được Chính phủ quan tâm, các cấp chính quyền tạo điều kiện và hỗ trợ mọi mặt, HTX được thuê đất 50 năm cho sản xuất kinh doanh. Đến nay, HTX đã xây dựng được 450m2 nhà xưởng kiên cố và 1.200 m2 sân phơi bằng bê tông”. Đặc biệt, quá trình xây dựng và phát triển của HTX có sự quan tâm hỗ trợ về thiết bị, nguồn vốn, chuyển giao kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị, các cấp Hội Phụ nữ và sự tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương. Sau hơn 4 năm thành lập, doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình đạt hơn 2,1 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 35 đến 40 lao động thời vụ, với mức lương từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động, nhất là lao động nữ.

Làm kinh tế giỏi, chị Hoa luôn động viên chị em phụ nữ ở địa phương nỗ lực vượt khó vươn lên khởi nghiệp phát triển kinh tế, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ chị em. Chị cũng rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, phong trào của Hội phụ nữ tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, ủng hộ nhiều công trình phúc lợi như xây sân bóng cho thôn, làm đường vào nghĩa trang liệt sĩ, mua xe tang tặng thôn trị giá gần 60 triệu đồng; quyên góp ủng hộ gia đình khó khăn, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ bà con khi thiên tai, bão lũ trị giá hàng chục triệu đồng...

Sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của chị được đền đáp xứng đáng. Năm 2018, chị Đinh Thị Mai Hoa đã vinh dự nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế, khởi nghiệp và phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Liên Minh HTX Trung ương tặng Bằng khen (năm 2020); Bằng khen của Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam (năm 2020); Giấy khen của Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình (năm 2019)...

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, chị cùng các thành viên HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, từng bước vươn ra thị trường lớn, khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản Quảng Bình chất lượng, uy tín.

 

 

Như Quỳnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video