Phụ nữ Việt ở Lào

24/04/2006
Những mệ, những chị, những người em gái… Lào gốc Việt mà tôi gặp ở tỉnh Chămpasăk (CHDCND Lào) cũng có một mái ấm, lo cho chồng-con mọi điều như tất cả những người phụ nữ ở Việt Nam (VN). Điều khác ở họ là vừa mưu sinh, vừa gắng giữ gìn văn hóa Việt.

* Nỗi nhớ khôn nguôi

7 giờ sáng, mạ Nguyễn Thị Đạm lễ mễ nhấc từng chiếc vỉ tre, trên đó phơi mấy tấm bột bánh tráng mỏng dính hình tròn ra phơi trước hiên nhà rồi chờ bạn hàng đến thâu.

 

Bỏm bẻm nhai trầu, mạ giải thích: “Cũng cực lắm chú, gạo vo sạch rồi ngâm, rồi xay thành bột mới đem tráng bánh. Ban đầu mạ nhớ nghề, nhớ quê quá mới làm, sau đó cả xóm đều làm theo, hình thành một khu nghề đặc trưng Việt. Mà cũng lạ, người Việt ăn bánh tráng hoài không ngán, cũng như mạ có bao giờ nguôi nỗi nhớ quê hương đâu!”.

 

Tại xóm Việt kiều Tân Phước (Thị xã Păk Sê, Chămpasăk), chúng tôi “thống kê” được 10 hộ đang “sống được” với cái nghề đặc thù VN này. Mỗi ngày, một phụ nữ có thể sản xuất 300 cái bánh tráng, thu lãi chừng 20.000 kíp (30.000VNĐ) cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn.

 

Các món có sử dụng bánh tráng như gỏi cuốn, bì cuốn, chả giò… của VN cũng từ đấy lan truyền khá rộng và có lúc, xóm bánh tráng phải mở hết công suất mà vẫn không kịp nhu cầu. Đưa hai ngón tay quệt chung quanh vành môi đỏ thắm xác trầu, mạ Đạm nói: “Đi ăn hủ tiếu với mạ, hay chú muốn ăn bánh cuốn, phở, bún bò Huế… thích chi mạ đãi, món Việt nào cũng có hết”.

Trước cái quán cóc của chị Bùi Thị Hạnh (dân gốc Nam Hà) có tấm bìa cứng treo tòng teng, trên đó ghi: hủ tiếu bình dân, 5.000 kíp/tô, cứ như tại VN. Bên chiếc bàn bày đầy thịt heo, giá sống, tô chén, chị Hạnh thoăn thoắt tay xắt thịt, tay múc nước lèo.

 

Không giống như mạ Đạm, chị Hạnh được sinh đẻ tại Chămpasăk, chị kể rôm rả: “Mỗi buổi sáng bán chừng 50 tô, anh ạ. Nếu ngán hủ tiếu của tôi thì lại sang hàng cháo lòng của chị Hồng, hay ghé quán cơm tấm cô Mai mà thay đổi khẩu vị. Thức ăn Việt đầy”. Chị An Thị Minh, Chi hội Phó Chi Hội người Việt xóm Tân Phước, cho biết: “Xóm mình có 500 Việt kiều, hơn nửa là phụ nữ, làm nhiều nghề truyền thống mang từ VN sang. Cũng là một cách giữ gìn văn hóa Việt”.

 

* Ổn định và phát triển

 

Có một chuyện rất vui là ở Chămpasăk, bà con Việt kiều tuy còn khó khăn nhưng không hộ nào thuộc diện nghèo, 100% trẻ em đều được đi học và hoạt động của Hội Người Việt tỏ ra rất hiệu quả, thể hiện rất rõ qua thể thao, chăm sóc về y tế và trong việc tương trợ nhau. Nếu như tại VN, các câu chuyện “tình làng nghĩa xóm” đây đó còn nhạt phai thì ở đây câu khẩu hiệu trên phát huy hết tác dụng.

 

Chỉ cần nhìn cơ ngơi của Câu lạc bộ người Việt (CLB) của xóm cũng có thể thấy rõ điều này. CLB rộng khoảng 1.000m2, có bàn bóng bàn, sân cầu lông, bóng chuyền và những dãy bàn ghế “đặc chủng” dành cho việc phổ cập chữ Việt vào các buổi tối. Cao ngất trên tường, câu khẩu hiệu “CHXHCN VN, Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” và chân dung Hồ Chủ tịch treo trang trọng.

Thành đạt nhất có thể kể đến hộ chị Phạm Thị Lan, chủ cửa hàng cơ khí Hongxienxomvang. Chị Lan hiện đang mang quốc tịch Lào, có 4 con trong đó 2 cháu đang du học bằng ngân sách Nhà nước Lào tại ĐH Bách khoa và Học viện Ngân hàng ở VN. Mỗi ngày, Hongxienxomvang mở cửa từ 8 giờ sáng, cung cấp tất cả phụ tùng xe hơi cho các khách hàng quen người Việt lẫn dân địa phương.

 

Chị Lan tâm sự: “Phận xa quê, chúng tôi luôn cố gắng phải dang tay đùm bọc nhau chứ. Cửa hàng tôi hiện nhận 20 thợ là con em người Việt trong xóm vào làm việc. Mỗi khi có ma chay, cưới hỏi… tôi và các hộ khá giả đều tự nguyện đóng góp hết. Vừa qua, Hội Người VN tại Chămpasăk còn ủng hộ 18,7 triệu kíp cho các nạn nhân chất độc da cam ở VN do UBTWMTTQ nước ta kêu gọi nữa đấy.

 

* Sailômdên “thổi” khắp cộng đồng

 

Ở Chămpasăk, chúng tôi thường xuyên được bạn bè Lào và đồng hương Việt kiều đưa đến quán Sailômdên để cùng nhau nhảy múa, ca hát những bài nhạc đỏ, nhạc tiền chiến VN. Xuất thân của Sailômdên có thể tóm tắt: Sau khi cách mạng Lào thành công năm 1975, Hội Người VN lâm thời lúc đó có chủ trương thành lập tại mỗi khu xóm Việt kiều một tốp ca múa thiếu nhi, hát những bài hát Việt, Lào phục vụ cộng đồng, cổ vũ tinh thần cách mạng.

 

Nguyễn Thị Minh Hiếu (gốc Huế) là người hát hay nhất, đặc biệt là bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” và “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” nên được các cô chú trong hội chăm chút công phu về chất giọng, nhạc lý… Thời gian dần trôi, để tồn tại với đam mê ca hát, nhóm nhạc Sailômdên của Hiếu cũng mưu sinh bằng các buổi “lưu diễn” tại đám cưới, lễ tiệc của Việt kiều nhưng lắm khi, họ “chạy sô” không kịp thở vì tính “độc quyền” của Sailômdên tại Chămpasăk.

Hôm chúng tôi đến thăm, sức chứa 400 khách của Sailômdên không còn một chỗ trống. Đích thân chủ quán Minh Hiếu làm một “live show” toàn các bài hát về VN như: Nha Trang, mùa thu lại về; Hà Nội niềm tin và hy vọng; Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây… làm khán giả hoan hô nồng nhiệt.

 

* “Cầu nối” văn hóa còn gập ghềnh

 

Nguyễn Thị Hoa, một người con gái Việt có gốc gác ở Quảng Trị đang sống tại Pak Sê, với tay cầm remote hướng về phía chiếc tivi đặt trên kệ, màn hình hiện lên ảnh nhà báo Long Vũ đang dẫn chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của VTV3. Hoa nói: “Ở đây xem thời sự trong nước thoải mái anh ạ. VTV 1, VTV2, VTV3, VTV4 đều bắt sóng tốt như rứa. Thế nhưng đời sống văn hóa chỉ có rứa thôi, bọn em mong có thêm báo chí, tài liệu tiếng Việt nữa cũng đành chịu”.

Tôi tìm gặp Hội người VN tại Chămpasăk, và được xác nhận: “Do kinh phí hoạt động của hội còn eo hẹp nên trước mắt, chỉ có một số báo cũ xin được từ Tổng lãnh sự thì chúng tôi chuyền tay nhau xem thôi, nhưng hết “nóng” rồi”. Tóm tắt nhu cầu báo chí của Việt kiều Chămpasăk, có thể đưa ra 1 ví dụ như thế này: hôm được gặp và phỏng vấn chị Đào Hương, tôi có tặng chị tờ SGGP mang theo bên mình. Vậy là bỏ mặc tôi những 20 phút, chị Hương cắm cúi đọc hết các tin thời sự, xong lại còn đề nghị tôi gửi báo sang biếu thường xuyên để đọc. Chị nói, báo chí là chiếc cầu nối duy nhất mà khi chạm được “chiếc cầu” ấy, người Việt xa quê cũng cảm thấy ấm áp trong lòng. 

 

 

 

Dương Minh Anh – Sài Gòn giải phóng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video