Phụ nữ Vàm Xáng: Hùn vốn trả nợ ngân hàng

05/10/2011
Trong các hình thức hoạt động hùn vốn để sản xuất của chị em phụ nữ, mô hình góp vốn để trả nợ ngân hàng của Chi hội Phụ nữ ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ là một mô hình tiêu biểu trong huyện Phú Tân hiện nay. Đây gần như là mô hình duy nhất, nhanh chóng giúp chị em có vốn trả lãi, nợ ngân hàng và xoay xở trong lúc khó khăn.

Phần đông gia đình phụ nữ nông thôn hiện nay đều phải vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất; tuy nhiên, do nguồn thu nhập không phải lúc nào cũng tập trung và phải chi tiêu cho các khoản sinh hoạt hằng ngày nên khả năng tích lũy thấp. Vì thế, việc góp vốn theo hình thức vần công để chị em có vốn trả nợ là cần thiết.

Chị Trần Thị Để, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, cho biết: "Mục đích chính là giúp chị em trả lãi, vốn vay ngân hàng. Nếu ai vay vốn ít thì trả vốn. Trên thực tế, tổ hùn vốn đã có hơn 50% chị trả được tiền vay ngân hàng".

Từ một tổ ban đầu, đến nay, toàn ấp có 6 tổ hùn vốn theo hình thức này, với 187 chị tham gia, mỗi tổ bình quân hơn 30 chị. Hình thức là hằng tháng, mỗi chị góp vào 500.000 đồng, sau đó bốc thăm, thành viên nào may mắn sẽ nhận được số tiền góp tháng đó, bình quân mỗi chị nhận hơn 15 triệu đồng. Cứ thế xoay vòng cho hết số thành viên trong tổ.

Các tổ này hoạt động trên cơ sở tự nguyện của chị em, có sự cam kết trách nhiệm rõ ràng và được chính quyền địa phương đứng ra bảo đảm. Chị em đều có ý thức rất cao trong việc tham gia góp vốn và sử dụng vốn đúng mục đích.

Chị Tô Thị Lắm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, cho biết thêm: "Lúc đầu, mục đích của các tổ là hùn vốn để giúp chị em trả lãi ngân hàng, số còn lại đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Song, có nhiều chị em trả dần lãi, sau đó trả dứt nợ ngân hàng từ số tiền này cùng với tiền tích lũy của gia đình. Tất cả chị em trong các tổ đều ý thức được rằng, trong lúc khó khăn, nếu không có hình thức hùn vốn thế này thì khó huy động được một số tiền lớn để xoay xở.

Vay nóng bên ngoài với lãi suất cao thì rất khó trả, chơi hụi thì lỗ lã và rủi ro cũng cao hơn, nên tham gia mô hình hùn vốn của chi hội phụ nữ là cách tốt nhất giúp chị em trả lãi, vốn vay ngân hàng và đầu tư cho sản xuất, nâng cao đời sống.

Chị Đặng Thị Nương, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ là một trong những thành viên của tổ hùn vốn vừa trả xong nợ vay ngân hàng. Chị cho biết: "Trước đây kinh tế gia đình tôi rất eo hẹp. Nhờ hùn vốn không chỉ trả được nợ ngân hàng lẫn tiền cố đất đai mà chuyện làm ăn cũng ổn định hơn".

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Từ nguồn vốn này cùng với vốn tích lũy của gia đình, chị Lê Thị Xuân, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ chẳng những trả dứt nợ ngân hàng mà còn đầu tư nuôi cá bống tượng. Gia đình chị hiện có 7 ao nuôi cá bống tượng, với mức thu nhập bình quân hằng năm hơn 80 triệu đồng. Chị còn tận dụng đất sân, vườn để trồng hoa màu và sạ lúa góp phần tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình. Riêng hơn 1,5 ha đất nuôi tôm cho thu nhập tương đối ổn định.

Chị Lê Thị Xuân cho biết, hiện nay gia đình chị đã trả dứt nợ, còn dành dụm được một số tiền để cất lại nhà.

Mô hình hùn vốn trả nợ ngân hàng của chị em phụ nữ ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ đã thật sự mang lại lợi ích thiết thực, giúp chị em huy động được nguồn vốn trong lúc khó khăn, khỏi vay bên ngoài với lãi suất cao. Đây là cơ sở để giải quyết công ăn, chuyện làm cho chị em, hạn chế tệ nạn xã hội phát sinh ở nông thôn, thể hiện vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này còn là điều kiện gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, một nét đẹp văn hóa mới cần được phát huy, nhân rộng./.

Theo baocamau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video