Phụ nữ trong công tác nghiên cứu khoa học hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN Việt Nam

19/10/2020
Tại đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV, Đại úy TS. Đinh Thị Thu Hằng - Nghiên cứu viên, Giảng viên, Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã có tham luận "Cách thức sáng tạo thực hiện đợt thi đua đặc biệt “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em” gắn với phát triển cộng đồng". Cổng thông tin Hội LHPN Việt Nam xin đăng toàn văn tham luận.

Thật vinh dự cho tôi được có mặt tại Đại hội TĐYN Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV ngày hôm nay, được góp một phần tiếng nói của nữ quân nhân về chủ đề Phụ nữ trong công tác nghiên cứu khoa học hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”-đã được phát động từ cách đây hơn hai thập kỷ (từ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII,19/5/1997) nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kính thưa các đồng chí,

Khởi đầu năm mới 2020 với thách thức đại dịch Covid-19, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam chúng ta cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và đã chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phòng chống dịch dài hơi hơn, chống dịch cùng với phát triển kinh tế- xã hội để thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng chính phủ đề ra. Khi Đại hội được tổ chức một cách an toàn, hiệu quả và các đại biểu chúng ta được tham dựngày hôm nay, Việt Nam đã 33 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng,thì toàn thế giới ghi nhận hơn 35 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 1 triệu bệnh nhân tử vong (Đại học John Hopkins, ngày 06/10/2020), và con số này có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính, khoảng hơn 780 triệu người đã mắc Covid-19, gấp 20 lần con số chính thức.Đây như một lời cảnh tỉnh để chúng ta phải luôn nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không phút giây được phép lơ là, chủ quan.

Quay trở lại thời điểm khi những ca bệnh viêm phổi lạ xuất hiện do một chủng virus corona hoàn toàn mới được báo cáo ở Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019, và liên tiếp theo sau các ca bệnh được phát hiện ngoài lãnh thổ Trung Quốc là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,..và Việt Nam chúng ta, với 2 bệnh nhân đầu tiên là cha con người Trung Quốc. Chúng tôi là “bộ đội Cụ Hồ”, nhiệm vụ thời chiến là bảo vệ tổ quốc, tiêu diệt giặc ngoại xâm và trong hoàn cảnh này, virus lạ đó chính là kẻ thù, ý thức sâu sắc được điều này, chúng tôi sẵn sàng ứng phó, quyết tâm tiêu diệt “giặc virus”, ra sức ngăn chặn không cho chúng xâm nhập, lây lan ra cộng đồng để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Lực lượng quân đội đã giương cao ngọn cờ, đi đầu chống dịch theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, của Quân ủy Trung ương trên “mặt trận phi tiếng súng”; đồng thờiđẩy mạnh các đợt thi đua trên mọi mặt công tác để lập công, lập thành tích chào mừng nhiều sự kiện lớn của Đảng, của Đất nước.Với tinh thần ấy,mỗi nhà khoa học mặc áo lính Quân y cũng như các nhà khoa học trong toàn quân dường như đều ý thức được trọng trách của mình, thể hiện bằng hàng loạt các công trình nghiên cứu trên hầu hết các lĩnh vực. Ở bất kỳ đâu, nhà khoa học áo lính cũng đều để lại những dấu ấn về sự nhiệt huyết, quên mình, dám đương đầu, và quyết tâm đến đích thắng lợi, trong đó phải kể đến đóng góp không nhỏ của những “bông hồng- nữ quân nhân”, bởi “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”.

Kính thưa các đồng chí,

May mắn được công tác tại Học viện Quân y, có bề dày truyền thống hơn 70 năm, với 3 lần vinh dự đón nhận danh hiệu cao quí Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được trực tiếp tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các tổ chức Hội (Hội Phụ nữ, Công đoàn), tôi nhận thấy mình có trách nhiệm cũng như cơ hội được học tập, cống hiến với sự hỗ trợ rất lớn từ đồng chí, đồng đội và đơn vị.

Trên cương vị là một giảng viên, nghiên cứu viên trẻ, tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận, định hướng của chỉ huy đơn vị và các cơ quan chức năng trong Học viện... giúp triển khai từ các ý tưởng nghiên cứu ban đầu để trở thành các công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Với hướng nghiên cứu, giảng dạy xuyên suốt là dự phòng, chẩn đoán, bệnh học phân tử bệnh truyền nhiễm nhằm xác định nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh, giảm chi phí xét nghiệm, điều trị hiệu quả cho người bệnh, giảm gánh nặng cho cộng đồng và xã hội, cũng như tránh nguy cơ lây lan các mầm bệnh kháng thuốc. Đồng thời, các nhiệm vụ nghiên cứu về các tác nhân tối nguy hiểm như vi khuẩn than, vi khuẩn dịch hạch, virus Ebola, …cũng được triển khai và thực hiện thành công.

Đặc biệt, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tôi là thư ký của “Tổ nghiên cứu” chống dịch Covid-19 của Học viện Quân y, đã tích cực tuyên truyền, giáo dục đến từng đoàn viên, hội viên phụ nữ, nhân viên và gia đình để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của SARS-CoV-2. Tham gia huấn luyện, tập huấnquân y toàn quân về quy trình xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2.Bản thân đã vinh dự được sự tin tưởng của Thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ tham gia xây dựng thuyết minh và thực hiện chính đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)“, sau hơn 1 tháng thực hiện đã có sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19- đây là bộ sinh phẩm đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo phát hiện, cách ly, theo dõi, quản lý điều trị hiệu quả cũng như góp phần trong công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Công trình được đặt ra giữa lúc dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam, và có thể bùng phát phức tạp, chúng ta chỉ được thế giới hỗ trợ số lượng test vô cùng ít ỏi (khoảng 50 test cho cả nước). Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế trang thiết bị y tế và vật tư sinh phẩm bán ra nước ngoài. Do đó, việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn. Cùng với chiến lược kiểm soát dịch bệnh đúng đắn của Chính phủ, việc chúng ta chủ động sản xuất ra sinh phẩm tạo sự yên tâm rất lớn trong đội ngũ chuyên gia y tế cũng như toàn xã hội. Bộ sinh phẩm còn góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ Quốc tế.

Kính thưa các đồng chí,

Hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, đến nay, tôi đã và đang tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước và tương đương (06), cấp Bộ Quốc phòng (02)... đã cóhơn 30 Bài báo khoa họccông bố ở Tạp chí khoa học có uy tín trong nước vàquốc tế; và nhiều giải thưởng các cấp: cấp HVQY (03 giải), Bộ Y tế (01 giải), cấp toàn quân (02 giải), toàn quốc (03giải, 02 Bằng bảo hộ độc quyền Sở hữu trí tuệ). Hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng các cấp. Bản thân cũng đã nhận được khen thưởng từ nhiều Ban, Bộ, ngành.

Với những kết quả phấn đấu trong thời gian qua, tôi hiểu được rằng, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, thì sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại, đề tài và các cấp quản lý có vai trò then chốt để chúng tôi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cũng không thể thiếu được sự hợp tác của các đơn vị đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước; sự hỗ trợ ủng hộ của đồng đội và người thân.Đặc biệt, gia đình, chồng, con chính là hậu phương vững chắc và vô cùng quan trọng với những phụ nữ làm khoa học như chúng tôi, để chúng tôi có thể phấn đấu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tôi biết ơn những hy sinh, hỗ trợ, sẻ chia vô điều kiện của những người bạn đồng hànhấy, để tôi vững tâm bước đi trên con đường mà mình đã chọn, con đường mà tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ nó là rộng rãi, thênh thang, là” trải đầy hoa hồng”… vẫn biết là gập ghềnh, khúc khuỷu.

Kính thưa các đồng chí,

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những cơ hội và thử thách mới. Quân đội phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước các cuộc chiến tranh kể cả chiến tranh công nghệ cao.

Ngành quân y cũng vậy, và do đó, chúng tôi thấy nhiệm vụ NCKH sẻ đảm bảo cho chúng ta sự chủ động trước các thách thức mới, kể cả các thách thức an ninh phi truyền thống. Bệnh dịch luôn là một thách thức lớn cho giới khoa học suốt hàng ngàn năm qua. Xin được trích lời của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới: “Covid-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng. Lịch sử dạy chúng ta rằng dịch bệnh và các đợt bùng phát là một thực tế của cuộc sống. Nhưng khi đại dịch tiếp theo xảy đến, thế giới sẽ phải sẵn sàng hơn”. Loài người từng không ít lần “chao đảo” vì đại dịch nhưng bằng thiên tính của mình, chúng ta luôn vượt qua và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Bởi vậy, mỗi cán bộ khoa học cần tiếp tục trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, khả năng ứng phó, phán đoán, thực sự chủ động, đoàn kết và hợp tác trong NCKH, xây dựng thái độ trách nhiệm của một người lính khoa học đối với sức khỏe cộng đồng…, đây là những biểu hiện hết sức cụ thể của tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”. Cảm giác thỏa mãn, hài lòng sẽ chính là sự khởi đầu cho thụt lùi, chậm chân ngay trong lĩnh vực thuộc sở trường của mình. Chúng tôi sẽ luôn khắc cốt, ghi tâm những điều này và thường xuyên văn ôn võ luyện, để tổ quốc không bị bất ngờ trước bất cứ tình huống nào.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Đại úy TS. Đinh Thị Thu Hằng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video